Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp hàng loạt vấn đề nóng của giáo viên
Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ trực tuyến, chia sẻ với 700.000 giáo viên và giải đáp hàng loạt các vấn đề vướng mắc của các thầy cô.
Chính sách cho giáo viên mầm non, tăng thu nhập cho nhân viên trường học, tăng định mức giáo viên, trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, bỏ bớt các cuộc thi… là những vấn đề được các giáo viên đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong buổi gặp gỡ thông qua hình thức trực tuyến sáng nay, 15/8.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ, chia sẻ với 700.000 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cả nước, thông qua hình thức trực tuyến. Khoảng 6.500 câu hỏi đã được gửi về.
Khó khăn trong thực hiện chương trình mới
Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất là vấn đề được nhiều giáo viên đề cập khi nói tới những khó khăn trong công tác giáo dục.
Phát biểu đại diện cho giáo viên tỉnh Điện Biên, cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Trường Mầm non xã Thanh Nưa cho hay hiện tỉnh Điện Biên đang thiếu giáo viên và thiếu cả nguồn tuyển ở một số môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống phòng học bộ môn và trang thiết bị kèm theo chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Cùng vấn đề này, thầy Nguyễn Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ trường gặp không ít khó khăn, như còn thiếu giáo viên, chưa đủ phòng học - phòng học bộ môn, thiết bị dạy học thiếu và chưa đồng bộ.
Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng thiếu khi triển khai chương trình mới dạy 2 buổi/ngày thay vì một buổi như trước đây, cộng thêm các môn học bắt buộc mới như Ngoại ngữ, Tin học, hoạt động trải nghiệm và các môn học tự chọn.
Vì vậy, thầy Dũng cho rằng định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định đối với trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày là thấp so với nhu cầu số người làm việc, chưa kể giáo viên còn phải tính giờ cho các hoạt động kiêm nhiệm khác như chủ nhiệm, công đoàn…
Theo đó, thầy Dũng đề xuất đối với cấp tiểu học, cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bố trí định mức giáo viên là 1,7 giáo viên/lớp để đảm bảo đủ số người làm việc.
Thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là ý kiến của nhiều giáo viên khác như cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), cô Lưu Trương Kim Tuyền (giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi).
Chia sẻ về vấn đề định mức giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì sửa đổi Thông tư 16 liên quan đến vấn đề này. Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà giáo đóng góp ý kiến khi dự thảo Thông tư 16 được công bố để lấy ý kiến trong thời gian tới.
Về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học. Bộ trưởng cũng kiến nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các nhà trường tận dụng tối đa các trang thiết bị đang có để phục vụ tốt việc dạy và học.
Nâng lương cho giáo viên và nhân viên trường học
Đại diện giáo viên tỉnh Tiền Giang, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho hay nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu theo độ tuổi trên nhưng không bị thiệt so với chính sách chung. Cô cũng bày tỏ mong muốn Bộ trưởng xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh vấn đề nâng lương cho giáo viên, vấn đề thu nhập của nhân viên nhà trường cũng là vấn đề được nhiều giáo viên đặt ra.
Cô Trần Thị Phương Thảo (Trường Trung học cơ sở Lê Anh Xuân, quận Tân Phú) cho biết nhóm vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong trường trung học cơ sở có 8 vị trí, gồm: thư viện; thiết bị thí nghiệm; công nghệ thông tin; kế toán; văn thư; thủ quỹ; y tế và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. “Thực trạng hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp, gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống,” cô Thảo nói.
Chia sẻ từ thực tế bản thân, cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho hay nhân viên nhà trường chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp (ví dụ, đối với nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại là 0.2 so với mức lương cơ bản), không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Vì thế, nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề để tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác. Minh chứng là, việc tuyển viên chức ngành giáo dục hàng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị có rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường vẫn còn thiếu nhân viên chuyên trách.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định nhân viên làm trong ngành giáo dục tuy ít, nhưng mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong nhà trường. Bộ trưởng cho rằng cần biện pháp kiến nghị để tăng lương, thu nhập cho nhóm này. Bộ cũng đang kiến nghị tăng một số vị trí việc làm.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục không thể tự quyết vấn đề lương mà cần phải làm việc với các bộ ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cấp cao hơn. Vì vậy, cùng với việc kiên trì kiến nghị của bộ thì bản thân các trường học, các nhân viên trường học, các nhà giáo cũng cần có kiến nghị, lên tiếng nhiều hơn nữa để thuận cho việc đề xuất chính sách.
Về vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo có nêu tiền lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
“Mong muốn của chúng ta là vậy, nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Trách nhiệm của chúng ta là thuyết phục và rất cần sự đóng góp của xã hội,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Hiệu trưởng có quyền từ chối bớt các cuộc thi
Một vấn đề khác cũng được các giáo viên quan tâm phản ánh là hiện có quá nhiều cuộc thi trong các nhà trường, gây áp lực và ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Đại diện cho các giáo viên tỉnh Hậu Giang, cô Lý Thị Trinh Nguyên cho hay bên cạnh các cuộc thi/hội thi của giáo viên, học sinh của ngành giáo dục và đào tạo còn có nhiều cuộc thi do các bộ ngành khác hoặc do địa phương phát động đều lấy giáo dục là trọng tâm, nòng cốt. Vì vậy giáo viên có rất nhiều áp lực, mất nhiều thời gian, không có điều kiện chăm sóc gia đình. Cô Nguyên kiến nghị Bộ trưởng quan tâm, giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết.
“Để các cuộc thi tổ chức hiệu quả, tôi thiết nghĩ cần rà soát, sắp xếp lại các cuộc thi trong năm học, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời gian, thời lượng cuộc thi phù hợp giúp giáo viên, học sinh ở từng bậc có khả năng đầu tư tham gia mà không ảnh hưởng đến chuyên môn của giáo viên và thời gian học tập của các em,” cô Trần Thị Phương Thảo, Trường Trung học cơ sở Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh nói,
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 5814 từ năm 2017, nêu rõ danh mục các cuộc thi trong nhà trường.
“Còn lại, có nhiều cuộc thi do các bộ ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp, làm sao tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh,” Bộ trưởng nói.