Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?
Trường hợp lái xe bỏ trốn để mặc người bị nạn tại hiện trường, hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Bạn đọc L.H.K hỏi.
Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, điểm b, khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: "Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất".
Luật sư cho rằng, theo quy định này, người gây tai nạn có thể rời khỏi hiện trường nếu lo sợ tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên, người đó phải đến trình báo với cơ quan Công an.
Hiện, chưa có hướng dẫn về việc trong bao lâu thì người gây tai nạn phải có mặt tại trụ sở Công an để khai báo, nhưng điều luật nên trên cho thấy, người gây tai nạn chỉ có 03 lựa chọn: Ở lại hiện trường, đến cơ sở y tế hoặc đến cơ quan Công an.
Nếu người gây tai nạn không có mặt tại một trong 03 địa điểm trên, họ hoàn toàn có thể bị quy kết là bỏ trốn.
Trong trường hợp tai nạn giao thông không gây hậu quả như chết người, gây tổn hại 61% sức khỏe của người khác, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên…, người đi ô tô gây tai nạn sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 16- 18 triệu đồng.
Còn nếu để xảy ra một trong các hậu quả này, người gây tai nạn phải đối diện với hình phạt tù theo điểm c, khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự: “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” với mức phạt từ 03 – 10 năm tù.