Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi lớp tiểu học có không quá 35 học sinh
Để ngăn tình trạng vượt quá sĩ số/lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với bậc tiểu học.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/ tuần với 32 tiết/tuần. Kế hoạch phải đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Các địa phương duy trì vệ sinh môi trường trong trường học, có phương án bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý.
Trước thềm năm học, các cơ sở giáo dục phải kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học, không đưa vào sử dụng trường, lớp đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.
Đối với kế hoạch dạy học, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học cũng như thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo chất lượng dạy học các môn.
Bộ GD&ĐT cũng đồng thời yêu cầu tiếp tục thanh, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Với các hoạt động ngoài giờ học chính thức, theo Bộ GD&ĐT đó là các hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Các hoạt động này phải được tổ chức sau giờ học chính thức cho đến thời điểm học sinh được cha mẹ đón về nhà.
Ngoài ra, căn cứ nhu cầu, sở thích của học sinh, có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như: thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng… tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí. Việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt.