Bộ GD&ĐT nói gì về việc nhiều sách giáo khoa lớp 1 phải điều chỉnh?
Chiều 12/12, Bộ GD&ĐT chính thức thông tin xung quanh đề xuất điều chỉnh nội dung nhiều cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.
Trước đó, NXB Giáo Dục VN đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT báo cáo kết quả rà soát các bộ SGK lớp 1 do đơn vị này xuất bản và xin ý kiến về hướng điều chỉnh.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết ngày 30/11, Bộ này nhận được văn bản báo cáo công tác rà soát SGK lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam. Trong báo cáo này, NXB đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong SGK tiếng Việt 1 thuộc 4 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Kết quả rà soát bộ sách lớp 1 Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa nhiều nhất với hơn 37 trang, tập trung ở SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) và SGK giáo dục thể chất 1.
Trong đó, SGK tiếng Việt 1 chủ yếu cắt giảm, chỉnh sửa một số câu chữ trong một số văn bản để giảm số chữ, để học sinh (HS) không phải đọc văn bản quá dài; giảm hoặc thay thế một số từ ngữ khó; giảm yêu cầu để không gây quá tải, khó khăn cho HS trong quá trình học theo SGK. Cụ thể, SGK tiếng Việt 1 (tập 1) của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được đề xuất điều chỉnh nội dung ở 18 trang. Một số câu như “sách đâu ếch học bài?” trang 129 được đề nghị sửa thành “sách đâu em học bài?”; cắt giảm câu “hàng bưởi ra bông trắng muốt” ở trang 152 để giảm số chữ trong bài đọc.
Đối với SGK tiếng Việt 1 (tập 2) điều chỉnh khoảng 16 trang. Một số điều chỉnh để nhằm đưa thêm tiếng có vần phù hợp với nội dung, tiến độ bài học của HS; giảm yêu cầu với HS như: thay vì yêu cầu HS kể lại cả một câu chuyện thì chỉ kể một đoạn của câu chuyện; giảm từ yêu cầu “nghe – viết” thành “nhìn – viết” ở một số bài,… cắt giảm cả mục “nghe đọc truyện và trả lời câu hỏi” ở trang 113-114. SGK môn giáo dục thể chất của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được chính NXB GD đề xuất điều chỉnh nội dung ở 3 trang.
Những bộ SGK khác như: Chân trời sáng tạo, NXB đề xuất điều chỉnh ở 7 trang SGK môn tiếng Việt 1 (tập 1) và môn tiếng Anh. Một số lỗi cụ thể như ngữ liệu “lần đầu đi qua cầu khỉ” trang 139 được đề nghị sửa thành “lần đầu đi câu cá”; bốn tranh minh họa cũng phải sửa lại. Sách giáo khoa tiếng Anh 1 Family and Friends (National Edition)-Student Book sửa trang 47 và 53 một số câu và hình vẽ.
Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi ở 5 trang. Bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực điều chỉnh nội dung ở khoảng 24 trang cho các môn học. Bộ SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục có 1 trang trong SGK tiếng Việt 1 (tập 1) phải đề xuất điều chỉnh…
Đây là những nội dung do đội ngũ tác giả chủ động rà soát trên cơ sở lắng nghe phản ánh của dư luận nhằm điều chỉnh từ ngữ trong một số câu văn để nội dung được hay hơn; điều chỉnh số lượng âm/vần trong một số bài học để giảm tải khối lượng kiến thức học sinh cần tiếp nhận trong bài học đó, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức dạy và học.
Sẽ điều chỉnh ngay trong năm học này Bộ GD&ĐT cũng viện dẫn luật Giáo dục 2019 với quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm “Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK ”; Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT có riêng Điều 9 quy định cụ thể quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Theo đó, quy định về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK như sau: sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định các bản mẫu SGK lớp 1 cần được chỉnh sửa, đính chính của NXB, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định. Căn cứ trên kết luận của hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ ra quyết định cho phép điều chỉnh SGK lớp 1 để NXB kịp thời phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng SGK hướng dẫn giáo viên, học sinh dạy học hiệu quả, kịp thời trong năm học này và thực hiện điều chỉnh các nội dung trong các lần in tái bản.
Cũng theo Bộ này, việc rà soát, điều chỉnh SGK là trách nhiệm của NXB cùng tác giả theo quy định. Hoạt động này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà phổ biến cả ở các quốc gia khác.
Đối với SGK của chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo NXB thực hiện việc rà soát để kịp thời điều chỉnh những nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế và cập nhật những tri thức – tiến bộ khoa học mới, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
“SGK của chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 cũng đã có hàng chục lần điều chỉnh, tái bản”, Bộ GD-ĐT thông tin.
Được biết 4 bộ SGK của NXB GD Việt Nam chiếm khoảng 70% thị phần SGK lớp 1 mới.