Bài 2: Nghệ sĩ Cát Tường tiếp tay quảng cáo "Thần thánh hoá", có biết mình đang làm sai?
Vì lợi nhuận, bất chấp tận dụng các kênh trên mạng xã hội để quảng cáo, thổi phồng công dụng, nói sai về các tính năng của các dòng sản phẩm chức năng, mỹ phẩm mà mình đang kinh doanh. Cát Tường là người của công chúng liệu chị có biết, chị đang lừa dối người tiêu dùng? Đừng cố chấp xin lỗi rồi lại sai.
Việc nhờ người nổi tiếng quảng cáo, hay dùng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo vấn nạn trên. Từ cuối năm 2018, cục An toàn thực phẩm Bộ y tế lên tiếng về việc nhiều loại thực phẩm chức năng đang "giăng bẫy" trên mạng, "dựa hơi" người nổi tiếng. Bộ này cũng "cầu cứu" Bộ Thông tin và truyền thông vào cuộc, xử lý. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn mắc bẫy, tại sao?.
Nghệ sĩ Cát Tường là một gương mặt điển hình, nổi trội về độ bền bỉ. Ít hôm lại thấy chị lên xin lỗi, rồi lại thấy chị vô tư live bán hàng với cam kết “Hoàn tiền lại, Cát Tường đền lại gấp trăm lần nếu không như quảng cáo…”. Giọng điệu tha thiệt “hay lắm, mọi người mua về sử dụng, 10 ngày là bớt ngay, 1 tháng ổn định, bỏ luôn thuốc tây, 3 tháng đảm bảo không còn đau nhức nặng cỡ nào cũng khỏi..” Hoang mang và sang chấn với cách quảng cáo ra đơn thuốc của chị MC này.. một bác sĩ đã thốt lên khi xem “Bác sĩ dỏm” Cát Tường phán liệu trình.
Nói về việc nhiều nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ Cát Tường, đang tiếp tay quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Chỉ cần vào thanh công cụ tìm kiếm của Google, gõ từ khoá “Cát Tường Quảng cáo” ngay lập tức nhận thấy rất nhiều trang mạng xã hội, giới thiệu về chị này với rất nhiều mĩ từ được tâng bốc lên tận mây xanh của nghệ sĩ MC này.
Nhiều nghệ sĩ đang khiến cho thị trường buôn bán trên không gian mạng dậy sóng. Và Cát Tường cũng không thua kém lao vào quảng cáo chăm sóc sắc đẹp, bảo vệ sức khoẻ, dược phẩm đặc trị… khi liên tục đăng đàn quảng cáo, giới thiệu các dòng sản phẩm thực phẩm chức năng do các công ty quen, nhân vật nổi tiếng với Cát Tường đứng ra nhập khẩu và phân phối "tiên dược" trắng da, đẹp dáng, trị khớp, trị tiểu đường, trị yếu sinh lý cái gì cũng xài rồi tốt lắm cả nhà ơi…
Mới đây, live stream đăng đàn giới thiệu sự thần thánh của các dòng sản phẩm sữa Diasure Canxi, Diasure Tiểu đường.., mà mình đã tìm hiểu và nghiên cứu đây là sản phẩm vô cùng tốt... Theo người này, hiện có hàng ngàn khách hàng mua theo "tin tưởng" và chỉ cần uống sau 10 ngày là khỏi.
Trước đó, PV liên hệ với những nghệ sĩ đã từng tham gia quảng cáo giới thiệu sản phẩm thổi phồng. PV khá bất ngờ khi được một nghệ sĩ chia sẻ thật: Anh chỉ nhận lời quảng cáo cho sản phẩm mà thôi, chỉ làm theo hợp đồng, còn công dụng như thế nào thì anh không biết, vì chưa bao giờ sử dụng các sản phẩm trên?
Chia sẻ quan điểm liên quan đến vấn đề này, Ls Trần Minh Cường – Đoàn Ls Tp.HCM cho biết: Người của công chúng có sự thu hút rất lớn với cộng đồng. Các sản phẩm họ quảng cáo, có thể họ chưa sử dụng hoặc sử dụng rồi, nhưng hiệu quả không đến mức như họ nói. Trong khi, quy định quảng cáo sản phẩm phải đúng như nội dung quảng cáo đã đăng ký và thẩm định.
Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định một số hành vi bị cấm trong quảng cáo như:
- Không quảng cáo các sản phẩm bị cấm;
- Không quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục, mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;
- Không quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về: Số lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, khả năng kinh doanh, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại…
- Không sử dụng các từ ngữ “nhất, duy nhất, tốt nhất, số một” hoặc các từ ngữ tương tự theo quy định của pháp luật;
Thực tế hiện nay, một hình thức rất được ưa chuộng là thông qua sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để thực hiện quảng cáo sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định. Người nổi tiếng khi quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin đến người tiêu dùng. Trong đó, phải bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.
“Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:
a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo”
Như vậy, nếu hàng hóa mà người nổi tiếng quảng cáo khi bị xác định là hàng giả, hàng kém chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi cũng như thiệt hại gây ra mà người này có thể bị:
Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu quảng cáo sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Thậm chí trong một số trường hợp, Người vi phạm còn có thể bị Truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 do có hành vi quảng cáo không đúng sự thật về hàng hóa, dịch vụvới khung hình phạt lên đến 3 năm cải tạo không giam giữ:
“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”
Tuy nhiên, nếu người nổi tiếng chứng minh được bản thân đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra tính chính xác của hàng hóa và không biết hàng hóa là hàng giả thì không phải chịu trách nhiệm.
Nhiều diễn viên, người nổi tiếng quảng cáo họ đang dùng kem, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... của thương hiệu mà họ đang nhận quảng cáo. Và khi xảy ra lỗi sản phẩm, cơ quan chức năng "sờ gáy", người nổi tiếng liền xóa bài quảng cáo trên trang cá nhân, thế là xong liệu có đúng?. Hay như vụ việc diễn viên O.T.V trước đây cũng quảng cáo, khi có sự cố thì đổ lỗi là do tôi không biết, tôi xin lỗi. Vậy khi thực hiện hợp đồng quảng cáo tại sao không kiểm tra kỹ, không đặt sức khoẻ của người hâm mộ mình lên hàng đầu, mà chỉ quan tâm đến hợp đồng này có giá bao nhiêu tiền thôi hay sao?
Chưa kể, do quảng cáo trên trang cá nhân là tiền mặt trao tay, nên cơ quan thuế cũng chưa thể thu thuế từ các thu nhập này của người nổi tiếng. Họ có lợi đủ đường, còn người tiêu dùng thì lãnh đủ. Đừng như chia sẻ của một nam ca sĩ nổi tiếng có biệt hiệu “ông hoàng nhạc..” rằng “vì mùa dịch không có show, tôi rất nhục mặt khi phải đứng ra nhận quảng cáo bán hàng…” thì ra vì tiền người nổi tiếng có thể bất chấp tất cả. Nhưng nay kinh tế đã ổn định, thì người nghệ sĩ hãy vì người hâm mộ của mình, mà làm đúng, đừng nên tiếp tay cho những gian thương móc túi và lừa gạt người hâm mộ của mình người của công chúng ạ!.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.