Apple ngừng làm ăn với đối tác lắp ráp iPhone vì cáo buộc lạm dụng người lao động
Đơn vị hưởng lợi lớn nhất là Luxshare - công ty có cơ hội lớn trở thành đối tác lắp ráp iPhone chính cho Apple.
Apple tuyên bố ngừng các hoạt động hợp tác kinh doanh mới với nhà lắp ráp iPhone Pegatron sau khi phát hiện ra việc lạm dụng người lao động thông qua chương trình lao động sinh viên của công ty này. Đây là hành động quyết liệt nhất từ trước đến nay đối với Pegatron sau thời gian dài công ty này bị cáo buộc lạm dụng người lao động.
Cụ thể, gã khổng lồ công nghệ Mỹ nói rằng họ đã phát hiện ra từ nhiều tuần trước rằng Pegatron cố tình khai gian các lao động sinh viên và cho phép nhóm này làm việc ca đêm, làm vượt thời gian, vi phạm nghiêm trọng Bộ quy tắc Đạo đức nhà cung ứng của Apple.
Pegatron là một trong nhiều đối tác của Apple trên toàn cầu lắp ráp các sản phẩm như iPhone. Giống như đối thủ Foxconn hay Hon Hai, công ty này là một phần trong tổng thể chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple – mục tiêu bị chỉ trích của các nhà hoạt động vì người lao động trong nhiều năm.
Được biết, công ty giá trị nhất thế giới đang trong quá trình sản xuất ra các mẫu iPhone mới thế hệ 5G và đang làm việc với Pegatron để mở rộng việc lắp ráp iPhone bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các kế hoạch này dường như sẽ không được thực thi do sự cố lần này. Đồng thời, bước đi của Apple đã mở ra cho đối thủ Luxshare – công ty đang có cơ hội lớn trở thành đối thủ lắp ráp iPhone chính của hãng.
"Hoạt động sản xuất iPhone hiện tại của Pegatron không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dường như Pegatron sẽ mất một vài đơn hàng với các thiết bị cầm tay mới của Apple vào năm tới cho Luxshare – đơn vị được cho là sẽ trở thành nhà lắp ráp iPhone mới vào năm 2021", Chuyên gia phân tích Jeff Pu nói.
Apple từ nhiều năm nay đã luôn phê phán các nhà sản xuất sau khi hàng loạt vụ tự tử xảy ra ở Foxconn vào năm 2010 phản ánh môi trường làm việc áp lực cao tại đây. Ngay sau đó, Apple đã phát triển một bộ tiêu chuẩn và bắt đầu kiểm tra hàng trăm công ty sản xuất linh kiện cho các thiết bị này, đe dọa dừng kinh doanh với những đơn vị không tuân thủ theo bộ quy tắc họ đề ra. Tuy nhiên, kích thước quá lớn của chuỗi cung ứng cho Apple khiến việc thực hiện chính sách trở nên khó khăn. Foxconn và Catcher Technology là một trong những công ty trong quá khứ nổi tiếng luôn coi thường các quy định ở địa phương.
Apple nói họ không tìm được bằng chứng về việc ép buộc hay sử dụng lao động trẻ em trong trường hợp của Pegatron. Tuy nhiên họ phát hiện ra rằng nhà cung cấp này đã cố tình xếp hạng nhân viên sai để che dấu việc lạm dụng lao động. Pegatron đã sa thải lãnh đạo trực tiếp đứng đầu chương trình lao động sinh viên.
"Pegatron nói rằng việc lạm dụng người lao động diễn ra tại nhà máy ở Thượng Hải và Kunshan của Pegatron – nơi sinh viên làm việc ca đêm, quá thời gian là "không tuân thủ các quy định và điều luật ở địa phương". Họ nói rằng đã đưa ra những "hành động nhanh chóng" để củng cố các thủ tục pháp lý và sẽ gia tăng việc tuân thủ theo bộ quy tắc.
"Ngay khi phát hiện ra những hành động không tuân thủ này, chúng tôi đã loại bỏ sinh viên ra khỏi dây chuyền sản xuất và làm việc với khách hàng và các chuyên gia bên thứ 3 để đạt được các thỏa thuận với họ nhằm đưa sinh viên quay lại quê nhà hoặc trường học bằng mức đền bù hậu hĩnh cùng với những hỗ trợ và chăm sóc cần thiết", đại diện Pegatron nói.