Ác mộng Covid-19 ở Ấn Độ: Không trung tâm y tế, không bác sĩ, người dân đành chết mòn
Tại ngôi làng Chogath xa xôi của Ấn Độ, dược sĩ địa phương tên Jeetu đã trở thành nguồn trợ giúp y tế duy nhất cho những người nhiễm Covid-19.
Làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Ấn Độ đã tàn phá các thành phố lớn và các trung tâm khu vực, khiến nhiều bệnh viện bị cạn kiệt thuốc và bình oxy. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất vì ở các vùng nông thôn, những khu vực xa xôi hẻo lánh thì nguồn lực y tế thậm chí còn khan hiếm hơn, khiến người dân không được chăm sóc dù mắc bệnh, phải tự mình chiến đấu để sinh tồn.
“Không có trung tâm y tế, không bác sĩ”
Chogath là một cộng đồng nông dân ở phía tây bang Gujarat và là nơi sinh sống của khoảng 7.4000 người (theo điều tra dân số lần cuối vào năm 2011). Vào đầu tuần này, dược sĩ địa phương tên Jeetu chia sẻ với CNN rằng có khoảng 500-600 người nhiễm Covid-19 trong làng. Các cư dân tại đây cũng báo cáo số người tử vong tăng đột biến.
Tuy nhiên, không có bác sĩ hay cơ sở y tế nào trong làng, trong khi đó thành phố gần nhất cách làng cũng hơn 1 giờ lái xe. Ở một số thị trấn lân cận cũng có trạm y tế nhưng đây đều là những cơ sở nhỏ nên cũng hết giường bệnh và nguồn cung cấp y tế thiết yếu khác.
Chứng kiến sự tăng lên đột biến của những ca bệnh và ca tử vong, ông Jeetu đã đảm nhận vai trò như một bác sĩ tình nguyện. Từng làm việc như một dược sĩ, ông sử dụng những kinh nghiệm của mình để cung cấp oxy và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
"Không có ai ở đây, không có trung tâm y tế, không có bác sĩ, không có y tá. Không có cơ sở y tế nào trong ngôi làng này. Vì vậy, tôi đã đương đầu với bệnh dịch theo cách mà tôi thấy phù hợp”, ông Jeetu chia sẻ.
Chạy khắp nơi để được giúp đỡ
Ấn Độ đang oằn mình đối phó với một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khắp mọi nơi từ thủ đô phồn hoa New Delhi cho đến những ngôi làng và thị trấn nhỏ nhất. Chỉ trong tháng qua, đợt bùng phát bệnh dịch lần thứ 2 này đã khiến hàng triệu người trên khắp Ấn Độ nhiễm bệnh, với hàng nghìn người tử vong mỗi ngày. Với gần 23 triệu trường hợp được xác nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ 2 (sau Mỹ), theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Ở Chogath, việc không có trợ giúp y tế buộc những người dân làng tuyệt vọng phải đi đến các thị trấn xung quanh với hy vọng có thể tìm được giường bệnh.
Dinesh Makwana, một cư dân ở làng Chogath, cho biết anh đã cố gắng đưa người cha nhiễm Covid-19 tới 4 bệnh viện khác nhau ở các thị trấn lân cận nhưng tất cả đều kín chỗ. Không còn cách nào khác, anh đành phải đưa người cha bệnh nặng của mình trở về nhà.
"Chúng tôi đã rất sốc (vì làn sóng thứ 2 này). Cả làng đều rất sốc, mọi người đều trở vô cùng sợ hãi”, anh Makwana nói.
Anh cũng cho biết rất nhiều người trong làng đã chết vì Covid-19. “Tôi rất sợ hãi. Tôi đã nghĩ rằng cha tôi sẽ chết”, anh Makwana chia sẻ.
Ông Jeetu sau đó đã cung cấp một số loại thuốc giúp ổn định tình trạng cho bố anh Makwana. Thế nhưng, những rắc rối ập đến với gia đình anh Makwana vẫn chưa kết thúc khi mẹ và chị gái của anh cũng bị nhiễm bệnh.
Khi Makwana đang nói chuyện với phóng viên CNN thì mẹ anh đã cố gắng thở một cách khó nhọc trước hiên nhà. “Tôi đang lo lắng cho gia đình mình,” ông Jivraj, bố của Makwana, nói. "Nếu tôi chết thì cái gia đình này sẽ tan nát mất. Tôi không sợ chết, tôi chỉ lo lắng cho vợ tôi thôi”.
"Một tháng số người chết bằng 3 năm"
Girjashankar, một cư dân Chogath, dù đã 70 tuổi nhưng ông vẫn giúp đỡ các gia đình trong làng hỏa táng thi thể người thân của họ. Ngày ngày, ông đều tới các cánh đồng để đốn gỗ, chất đầy lên chiếc xe máy kéo rồi chở về làng, chuẩn bị hỏa táng những người đã khuất.
Thông thường, trong làng có khoảng 30 người chết mỗi năm, nhưng chỉ trong tháng qua, họ đã hỏa táng 90 thi thể, ông Girjashankar cho hay. Cũng chỉ vì virus corona mà không ít gia đình đã mất đi nhiều thành viên.
Một số chuyên gia và các thành viên ủy ban chính phủ nói rằng làn sóng thứ 2 có thể đang tiến gần đến đỉnh dịch, có nghĩa số ca nhiễm bệnh và số người tử vong sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, số ca tử vong tăng chậm lại nhưng số ca bệnh vẫn tăng lên, có nghĩa là trong suốt mấy tháng tiếp theo, dự báo số ca tử vong vẫn tăng cao.
Chính phủ đã nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng này, gửi đi nguồn cung cấp oxy đến nhiều bang khác nhau và phân phối viện trợ nước ngoài. Nhưng sự khan hiếm nguồn cung cấp đồng nghĩa với việc phần lớn viện trợ sẽ được chuyển đến các phố đông dân cư nhất và nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, những ngôi làng nhỏ bé như Chogath phải tự lực cánh sinh để chống chọi với bệnh tật.
"Làng này không nhận được sự cứu trợ của chính phủ. Ở đây không có bác sĩ, không có cách nào để đến các các bệnh viện lớn hơn”, Girjashankar nói. "Cái cần đến không thể đến, người cần đi (tới bệnh viện) cũng không có cách nào để đi”.
Dược sĩ Jeetu cho biết ông "rất tức giận" khi người dân ở đây không nhận được sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng. "Mình tôi thì có thể làm gì chứ? Chúng tôi không có giải pháp nào cả, người dân ở đây rất nghèo”, ông Jeetu nói.
Trong khi đó, dân làng không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi sự giúp đỡ và cầu nguyện để bình phục. "Tất cả người dân trong làng đều sợ hãi. Đã 15-20 ngày nay không ai dám bước ra khỏi nhà. Ai cũng sợ hãi”, Makwana nói.