4 nguyên tắc vàng cần dạy con trước 6 tuổi để hình thành đứa trẻ ai gặp cũng yêu mến
Có 4 điều quan trọng bố mẹ cần dạy con trước 6 tuổi, đây là nền tảng cơ bản để trẻ phát triển tính cách tốt.
Trước 6 tuổi được coi là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Sau khi trẻ vượt qua độ tuổi này, nhân cách đã được hoàn thiện đến một mức độ và thường khó thay đổi.
Để giúp con phát triển một nhân cách tốt, bố mẹ có thể tập trung vào việc dạy 4 điều quan trọng sau đây trước khi trẻ đạt đến 6 tuổi:
Hạn chế nuông chiều và giúp con điều chỉnh cảm xúc
Khi trẻ gặp những tình huống khó chịu, thường thấy rằng trẻ sẽ biểu hiện bằng cách khóc, làm ầm ĩ, nằm trên sàn ăn vạ... Thậm chí, trẻ có thể ném đồ đạc xung quanh.
Tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy tính khí nóng nảy và bốc đồng của trẻ. Lúc này, nếu bố mẹ quá chiều chuộng hoặc sự thiếu bình tĩnh có thể góp phần vào việc trẻ phát triển tính cách bốc đồng này.
Nếu bố mẹ nhận thấy rằng con dễ bùng nổ cảm xúc, thì cần có sự chấn chỉnh kịp thời để tránh những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách.
Đầu tiên, trẻ cần cảm nhận được sự an toàn và sự ổn định xung quanh mình để giảm căng thẳng và lo lắng. Bố mẹ có thể tạo ra một lịch trình ổn định, đảm bảo giấc ngủ đủ và thời gian nghỉ ngơi để trẻ có thể thích nghi tốt.
Hãy để trẻ thấy bố mẹ giải quyết các tình huống khó chịu một cách bình tĩnh và kiên nhẫn. Điều này giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Đồng thời, hướng dẫn trẻ nhận biết và diễn đạt cảm xúc của mình một cách khéo léo. Cung cấp cho trẻ các phương pháp tự điều chỉnh như thở sâu, tập trung vào những hoạt động thích hợp hoặc sử dụng từ ngữ để diễn tả cảm xúc.
Có ý thức tốt nơi công cộng
Nhiều đứa trẻ nghịch ngợm và không tuân thủ nội quy, chẳng hạn như nói to trong rạp chiếu phim, chạy nhảy trong nhà hàng hoặc không giữ gìn trật tự nơi công cộng.
Để giáo dục trẻ biết chấp hành nội quy, trước tiên, bố mẹ phải làm gương tốt trước mặt con. Phụ huynh nên thể hiện một lối sống tuân thủ nội quy và đúng mực, gương mẫu đúng đắn để trẻ có thể học tập. Bằng cách này, trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ nội quy và hành vi đúng đắn.
Khi trẻ vi phạm nội quy, bố mẹ cần tiếp cận vấn đề một cách thông minh và tỉnh táo. Thay vì chỉ trích hoặc trừng phạt quá mức, hãy nói với trẻ một cách nhẹ nhàng và lý giải rằng hành động của trẻ là sai và có thể làm phiền những người xung quanh.
Bố mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu rằng việc không tuân thủ nội quy, không tôn trọng sự riêng tư của người khác có thể gây ảnh hưởng và làm mất đi sự thoải mái.
Dạy trẻ kỷ năng bảo vệ bản thân
Bên cạnh việc dạy trẻ kiến thức an toàn hàng ngày, việc trang bị cho trẻ khả năng tự bảo vệ mình là một yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục.
Trước hết, bố mẹ cần giúp trẻ nhận biết và hiểu rõ về các bộ phận riêng tư của cơ thể. Trẻ cần biết rằng có những phần trên cơ thể của mình là riêng tư và không được cho người khác xem hay tiếp xúc một cách không thích hợp.
Bố mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ đơn giản và phù hợp với lứa tuổi để giải thích về vấn đề này, từ đó giúp trẻ nhận thức về giá trị và sự quan trọng của việc bảo vệ cơ thể mình.
Ngoài ra, trẻ cần được hướng dẫn về cách ứng phó khi gặp người lạ hoặc khi cần hỏi đường. Ví dụ, trẻ không nên đi cùng với người lạ, không nên tiết lộ thông tin cá nhân quá nhiều và luôn phải giữ khoảng cách an toàn.
Ngoài ra, khi trẻ cần hỏi đường, hãy nhờ sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy như cảnh sát, hoặc giáo viên....
Dạy trẻ kỷ năng bảo vệ bản thân.
Nuôi dưỡng sự tự tin, tình thần lạc quan
Trẻ có thể sống hướng nội nhưng không thể thiếu tự tin.
Để nuôi dạy một đứa trẻ lạc quan và tự tin, có một số yếu tố quan trọng cần được chú trọng. Đầu tiên, không khí gia đình hòa thuận, nơi trẻ có thể phát triển trong một không gian thoải mái và vui vẻ.
Thứ hai, việc khích lệ và công nhận những thành tựu nhỏ của trẻ là một cách hiệu quả để tạo sự tự tin cho con. Khi trẻ cảm thấy được đánh giá, động viên và khen ngợi, sẽ có động lực để tiếp tục phát triển và trưởng thành.
Bố mẹ có thể khuyến khích và hỗ trợ trẻ thực hiện những nhiệm vụ đơn giản, như tự làm việc nhỏ trong nhà, quản lý thời gian và hoàn thành bài tập. Những thành công nhỏ này sẽ tạo nên những cột mốc quan trọng trong sự phát triển giúp trẻ cảm nhận được giá trị của công lao và khả năng của chính mình.
Ngoài ra, việc khám phá và phát triển sở thích của trẻ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin. Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khoá, như môn thể thao, nghệ thuật hay âm nhạc, để trẻ có cơ hội phát triển và thể hiện bản thân.