4 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” và mẹo trả lời
Nhà tuyển dụng luôn có chủ đích nhất định khi đặt ra những câu hỏi khó. Họ không đơn giản chỉ muốn có một đáp án rõ ràng mà sâu xa hơn là muốn kiểm tra tư duy và cách xử lý vấn đề, cùng với kỹ năng giao tiếp ứng xử trong các tình huống của ứng viên. Đôi khi ứng viên vì thiếu sự chuẩn bị nên tỏ ra bối rối và không thể có câu trả lời ngay.
Để không bị rơi vào thế bí, bạn có thể tham khảo một số câu hỏi “khó nhằn” và gợi ý trả lời dưới đây từ CareerLink nhé.
“Điểm yếu/ sai lầm lớn nhất của bạn là gì và có tác hại gì với bạn trong quá khứ?”
Thông thường ứng viên sẽ cố tránh nhắc đến điểm yếu hay sai lầm của bản thân mà chú trọng về ưu điểm. Tuy nhiên một số nhà tuyển dụng vẫn muốn “vạch lá tìm sâu”, dồn bạn vào “thế bí” bằng các câu hỏi khó về hạn chế, hay lỗi sai của bạn. Mục đích của họ là muốn biết bạn có những điểm yếu gì, có sai lầm tồi tệ nào không. Và quan trọng là bạn đã làm gì, làm thế nào để khắc phục, vượt qua những điểm yếu, cũng như sai lầm đó.
Để không quá bối rối khi đối diện với câu hỏi này, bạn nên suy nghĩ trước hướng trả lời. Song song đó, bạn cũng nên chia sẻ rằng bạn đã khắc phục được điểm yếu đó như thể nào để hiện tại trở nên tốt hơn.
Ví dụ: “Trước đây em là người khá trầm, không biết cách xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Em luôn từ chối mọi cuộc đi chơi, tụ tập với họ vì cho rằng vô bổ. Theo thời gian làm việc, em nhận thấy rằng điều đó làm em xa cách mọi người. Đôi khi việc tụ tập làm gắn kết các mối quan hệ và mọi người sẽ thoải mái, thấu hiểu và giúp đỡ nhau trong công việc tốt hơn. Em dần thay đổi và trở thành một người sôi nổi, nhiệt thành được mọi người yêu mến hơn”.
“Nếu bạn được nhận vào làm việc ở công ty mà đồng nghiệp không chào đón, giúp đỡ bạn, bạn sẽ làm gì?”
Trong các môi trường làm việc khác nhau, văn hóa công ty và ứng xử giữa nhân viên với nhau cũng khác. Không phải tất cả mọi người đều sẽ chào đón và giúp đỡ nhân sự mới nên việc bạn gặp khó khăn cần được suy tính trước để có giải pháp phù hợp. Bạn cần tự tìm cách giải quyết vấn đề này một cách khéo léo dựa theo tình hình gặp phải. Đây là lí do nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này.
Bạn không nên khẳng định chắc chắn với nhà tuyển dụng rằng mình không bao giờ bị rơi vào trường hợp này hay mình tự tin sẽ được chào đón vì tài ăn nói, giao tiếp tốt…. Thay vào đó, bạn nên chia sẻ cụ thể theo hướng rằng: “Em quan niệm mỗi người là một cá thể độc lập, có tư duy, suy nghĩ và cá tính riêng biệt. Điều quan trọng nhất là thái độ khi bước vào môi trường mới ra sao để người khác có thiện cảm và muốn kết nối cùng. Em nghĩ rằng, cho dù ban đầu đồng nghiệp không quan tâm em nhưng qua một thời gian nhất định, nếu em chân thành, có thái độ ứng xử tốt và khiêm nhường học hỏi thì những người đồng nghiệp dù khó tính cũng sẽ thay đổi tích cực”. Cuối câu trả lời bạn nên giữ nụ cười vui vẻ và bày tỏ niềm tin về sự tốt đẹp của mỗi người.
“Giả sử công ty giao cho bạn một nhiệm vụ mà bạn biết chắc rằng mình không thể hoàn thành, bạn sẽ làm thế nào?
Nếu bạn gặp câu hỏi khó này ở vòng phỏng vấn, bạn không nên quá lo lắng. Một vài hướng gợi ý trả lời như sau:
“Khi làm việc, bất cứ người nào cũng sẽ muốn nhận việc hợp với bản thân và khả năng của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi việc cũng đúng ý. Nếu được giao một việc mà biết chắc chắn khả năng không làm được, em có thể sẽ chia sẻ ngay với người quản lý để họ hiểu rõ tình hình. Trong trường hợp kết quả làm việc của em sẽ ảnh hưởng xấu đến công ty nhiều thì em mạnh dạn thừa nhận thiếu năng lực và từ chối công việc. Ngược lại nếu kết quả không tốt nhưng không quá ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty, em vẫn sẽ nhận việc và nỗ lực gấp nhiều lần quyết tâm làm tốt nhất trong khả năng”. Hoặc “Em có nguyên tắc rằng khi nhận việc được giao sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể. Em ý thức được nếu mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến công ty. Vì vậy em nhận công việc này và chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi kết quả”.
“Hãy kể về một người sếp mà bạn không thích nhất”
Nhà tuyển dụng đang cố tình đẩy bạn vào tình huống “kể xấu” một người sếp cũ, đồng thời họ cũng muốn biết bạn có mẫu thuẫn gì trước đó với cấp trên không, bạn mong đợi gì ở người sếp mới. Vì vậy bạn cần tỉnh táo để vượt qua câu hỏi oái ăm này mà không sa đà kể lể những điều tiêu cực dù rằng đôi khi lí do nghỉ việc của bạn xuất phát từ sếp của mình.
“Em rất quý trọng sếp cũ của em ở công ty X, tuy nhiên có một vài điểm em không thích ở anh ấy chính là phong cách quản lý vi mô, đôi khi làm cho nhân viên không được thoải mái, tự do sáng tạo. Em đã phải mất 3 lần trao đổi riêng thẳng thắn với anh ấy. May mắn là sếp của em đã có thiện chí lắng nghe và thay đổi dần. Cho đến tận bây giờ dù không còn làm chung nhưng em và anh ấy vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp”.
Có rất nhiều câu hỏi phỏng vấn khó mà bạn có thể gặp phải trong quá trình tìm kiếm việc làm. Bằng cách chuẩn bị và luyện tập các câu trả lời mẫu cho một số câu hỏi phỏng vấn khó này, bạn sẽ có thể tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng và cho họ thấy rằng bạn là ứng viên mạnh có tiềm năng thành công trong công việc.