4 bí kíp hay để trả lời những câu hỏi tình huống khó
Câu hỏi tình huống trong phỏng vấn luôn là phần đầy thách thức, kể cả đối với những ứng viên đã có kinh nghiệm. Mức độ khó và phức tạp của câu hỏi tùy thuộc vào lĩnh vực cũng như vị trí công việc. Dựa vào các câu trả lời đó nhà tuyển dụng có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp. Vì vậy, đây sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn nếu bạn chuẩn bị những mẹo hữu ích trước khi bước vào vòng phỏng vấn sắp tới.
4 bí kíp dưới đây hy vọng sẽ là sự trợ giúp tốt nhất với bạn trước khi tham gia phỏng vấn tìm việc làm tại Hải Phòng, Quảng Ninh…, cùng tham khảo nhé.
Các dạng câu hỏi tình huống thường gặp:
Nhà tuyển dụng có thể sẽ không hỏi tất cả 8 nhóm câu hỏi sau, Tuy nhiên sẽ rất hữu ích nếu bạn xem qua và có sự chuẩn bị thấu đáo trước buổi phỏng vấn. Hãy ghi nhớ để khi nhận được câu hỏi tình huống bạn sẽ bình tĩnh phân tích và tìm được cách giải quyết phù hợp. Các dạng câu hỏi thường là:
- Câu hỏi tình huống đặc biệt với khách hàng;
- Câu hỏi về phong cách làm việc cá nhân;
- Câu hỏi về giải quyết xung đột;
- Câu hỏi về tư duy sáng tạo nhạy bén;
- Câu hỏi về kỹ năng giao tiếp và truyền đạt;
- Câu hỏi về làm việc nhóm;
- Câu hỏi về khả năng lãnh đạo;
- Câu hỏi về quản lý thời gian.
Dành thời gian làm rõ câu hỏi
Lưu ý đầu tiên dành cho ứng viên đó là đừng quá nóng vội trả lời các câu hỏi khó từ nhà tuyển dụng ngay lập tức. Với tâm lý chủ quan hoặc muốn gây ấn tượng, nhiều ứng viên thường không dành thời gian để phân tích và làm rõ vấn đề. Đây là một thói quen tai hại, dễ khiến ứng viên hiểu chưa đầy đủ hoặc thậm chí là hiểu sai câu hỏi của nhà tuyển dụng.
Để tránh điều này, lời khuyên đó là dành 30 giây đầu tiên để xác định đây là dạng tình huống gì, các từ khóa quan trọng trong câu hỏi, mong muốn của nhà tuyển dụng như thế nào thông qua câu hỏi… Nếu câu hỏi quá dài hoặc phức tạp, bạn đứng ngại làm rõ với nhà tuyển dụng trước khi trả lời.
Luôn nhấn mạnh các giải pháp
Mỗi lĩnh vực, ngành nghề sẽ có những bộ câu hỏi đánh giá khác nhau trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên đặc điểm chung ở những câu hỏi này đó là để đánh giá khả năng nắm bắt tình huống và giải quyết vấn đề trong công việc. Đây là lí do bạn nên nhấn mạnh các giải pháp trong câu trả lời của mình.
Đừng quá lan man vào các yếu tố khác, giải pháp cho tình huống mới là phần trọng tâm mà nhà tuyển dụng muốn lắng nghe. Không chỉ liệt kê giải pháp, bạn cần đưa ra cách thức thực hiện cụ thể, phương án đo lường hiệu quả hoặc đề ra rủi ro nếu có. Một câu trả lời chuẩn mực như trên sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao về tư duy và kỹ năng của bạn khi đối mặt với những vấn đề thực tế.
Ví dụ, bạn có thể bắt đầu câu trả lời như sau: “Với những điều kiện cụ thể trên, giải pháp tối ưu mà tôi sử dụng đó là … và sẽ giải quyết những vấn đề sau…”
Trở thành người phù hợp nhất thay vì người giỏi nhất
Bí kíp tiếp theo giúp bạn tự tin trả lời những câu hỏi tình huống đó là hãy trở thành người phù hợp nhất thay vì người giỏi nhất. Áp lực phải thể hiện thật xuất sắc trong phỏng vấn dễ làm bạn lo lắng, đây là điều không nên.
Một số khảo sát cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn ứng viên thể hiện được những tố chất phù hợp về kỹ năng, tư duy và phong cách làm việc. Vì thế, nghiên cứu kỹ về vị trí công việc trước buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn hiểu rõ doanh nghiệp đang cần một ứng viên như thế nào. Bám sát mô tả công việc và nguồn tin chính thức từ doanh nghiệp sẽ là cơ sở để bạn biết cách trả lời các câu hỏi khó.
Trả lời trung thực và tự tin
Hầu hết các câu hỏi tình huống đều mang tính giả định, tuy nhiên khi trả lời ứng viên cần trung thực với những kỹ năng và thành tựu của mình. Lồng ghép kinh nghiệm cụ thể của bản thân một cách khéo léo sẽ giúp câu trả lời của bạn đáng tin cậy hơn với nhà tuyển dụng.
Đừng quên tận dụng các thông tin về chỉ số phần trăm, lượng hóa rõ ràng hiệu suất công việc để thuyết phục doanh nghiệp rằng bạn tự tin cho vị trí công việc này. Thái độ tự tin và chuyên nghiệp hoàn toàn có thể được luyện tập trước buổi phỏng vấn bằng cách trả lời trước các câu hỏi thường gặp.
Trên đây là 4 bí kíp hay để trả lời những câu hỏi tình huống khó. Hy vọng bài viết vừa rồi đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích để chinh phục buổi phỏng vấn sắp tới.