Xét xử vụ “thông thầu” tại Sở Y tế Quảng Ninh
Sáng 23-10, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đơn vị có liên quan.
Phiên tòa diễn ra dưới sự điều hành của thẩm phán chủ tọa Đặng Phúc Lâm, dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 23 đến ngày 25/10. Bào chữa cho các bị cáo gồm có 23 luật sư, 4 bị cáo vắng mặt được chỉ định luật sư bào chữa.
HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi, tranh luận đối với các bị cáo có mặt tại phiên tòa. Trong số 16 bị cáo hầu tòa, có 4 bị cáo đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã đặc biệt gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC), Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC), Trương Thị Xuân Loan (cựu Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC), Nguyễn Thị Tích (cựu Trưởng phòng hồ sơ pháp chế của Công ty AIC, kiêm Tổng giám đốc Công ty Mopha).
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Đáng chú ý, một số bị cáo, đặc biệt là các bị cáo đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các cá nhân tại Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình y tế (thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư), Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cho các ‘quân xanh’, ‘quân đỏ’ đấu thầu để trúng sáu dự án.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 135,645 tỉ đồng. Đến năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi, tổng vốn đầu tư 238,131 tỉ đồng. Dự án gồm hai giai đoạn, chia thành sáu gói thầu mua sắm trực tiếp.
Để Công ty AIC được tham gia dự thầu và trúng thầu các gói thầu trang thiết bị của Dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Trương Xuân Loan liên hệ với cán bộ Ban QLDA thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế mua sắm.
Sau đó, các bị cáo liên hệ các hãng sản xuất, các đơn vị cung cấp thiết bị thuộc danh mục mua sắm nêu trên để thu thập thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá từng loại thiết bị; xác định lợi nhuận dự kiến để làm cơ sở cho việc xây dựng giá dự thầu nhằm bảo đảm mức lợi nhuận mong muốn của Công ty AIC khi trúng thầu.
Để bảo đảm đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu, cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo cựu kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn điều chỉnh số liệu Báo cáo tài chính các năm từ 2010 – 2013 của Công ty AIC.
Sau đó, cựu Chủ tịch AIC giao cho Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên Công ty AIC mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho Công ty AIC, Công ty Mopha (gọi là “Quân đỏ”) và các công ty khác (gọi là “Quân xanh”) để có đủ số lượng hồ sơ dự thầu theo quy định và tạo các điều kiện cần thiết cho Công ty AIC, Công ty Mopha trúng sáu gói thầu của Dự án.
Theo kết luận định giá, giá trị trang thiết bị sáu gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (số tiền hơn 237,3 tỉ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỉ đồng; còn 15 thiết bị trị giá 9,898 tỉ đồng không định giá được do không thu thập được thông tin.