Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 08/11/2021 14:40 (GMT+7)

Vượt mốc 1.000 ca mắc COVID-19, Phú Thọ xây dựng kịch bản ứng phó với 5 cấp độ dịch

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 18 giờ ngày 6/11 đến 18 giờ ngày 7/11, Phú Thọ ghi nhận thêm 51 ca mắc COVID-19 mới.

Trong đó, Thanh Sơn có 18 ca, thành phố Việt Trì có 11 ca, Phù Ninh có 17 ca, Tam Nông có 3 ca và Tân Sơn có 2 ca. Trong các trường hợp mắc mới, có 48 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đều đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 3 trường hợp mắc mới trong cộng đồng đều tại huyện Thanh Sơn.

Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 1.067 ca mắc COVID-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 518 ca; các huyện Lâm Thao: 150 ca, Thanh Sơn: 162 ca, Phù Ninh: 138 ca, Tân Sơn: 38 ca, thị xã Phú Thọ: 20 ca, Tam Nông: 20 ca, Thanh Thủy: 9 ca, Yên Lập: 5 ca, Cẩm Khê: 4 ca, Hạ Hòa: 2 và Thanh Ba: 1 ca. Có 2 xã mới ghi nhận ca mắc COVID-19 là Lệ Mỹ (Phù Ninh) và Xuân Đài (Tân Sơn).

Trong ngày 7/11, toàn tỉnh Phú Thọ tổ chức tiêm 6.478 liều vaccine COVID-19, trong đó có 6.178 mũi 1; 300 mũi 2; phát hiện 10 trường hợp phản ứng thông thường; không phát hiện trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Lũy tích toàn tỉnh Phú Thọ đã tiêm 983.747 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó có 878.311 người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19; có 111.914 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine. 83,02% người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19; 10,6% người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Tỉnh Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; huyện Thanh Sơn cấp độ 3; 11/13 huyện ở cấp độ 2 gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn 1 huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1.

Toàn tỉnh có 5 xã ở cấp độ 4 gồm xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì); thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng (Thanh Sơn) và xã Văn Luông (Tân Sơn); 2 xã ở cấp độ 3 và 40 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kịch bản ứng phó với 5 cấp độ dịch, trong đó, cấp độ cao nhất có thể lên tới 5.000 ca mắc. Theo đó, Phú Thọ đã kích hoạt 2 bệnh viện dã chiến cấp tỉnh, 5 bệnh viện dã chiến cấp huyện; đồng thời thành lập một loạt các trạm y tế lưu động, cho phép các F0 đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế được cách ly và điều trị tại nhà.

Tại Phú Thọ, kể từ ngày xuất hiện chùm ca mắc COVID-19 tại huyện Lâm Thao, xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo triển khai thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng gọn tại các địa bàn nguy cơ cao để nhanh chóng lọc ra các F0 để có biện pháp cách ly, điều trị.

Tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ, theo phương châm khoanh vùng hẹp nhất có thể, truy vết thần tốc nhất có thể, xét nghiệm nhanh nhất và rộng nhất có thể. Tỉnh cũng có một số quy định riêng chặt chẽ hơn phù hợp với tình hình dịch của địa phương.

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ cũng đã tính đến kịch bản trong trường hợp vượt mốc 5.000 ca mắc COVID-19, Phú Thọ sẽ khởi động tất cả các bệnh viện dã chiến cấp huyện và một số bệnh nhân sẽ cho cách ly tại xã và điều trị tại nhà. Thực tế, tỷ lệ tiêm chủng cao thì số F0 diễn biến nặng không nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nặng, số ca mắc chỉ ở mức độ vừa… Đồng thời, trang thiết bị y tế, test kit, máy thở, ôxy y tế… đã được chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu nhất.

Bên cạnh đó, Phú Thọ được Bộ Y tế cho triển khai Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 vùng, với quy mô 120 giường bệnh và có thể mở rộng 250 giường. Hiện nay, trung tâm này đã hoàn thành cơ bản các hạng mục và đã vận hành được một số giường bệnh.

Ngày 7/11, Sở Y tế Phú Thọ đã tiếp nhận 1 xe cứu thương, 5.000 khẩu trang y tế N95 và 5 tấn gạo trị giá gần 1,1 tỷ đồng do Hiệp hội doanh nhân Hùng Vương và Thẩm mỹ viện Hoàng Tuấn trao tặng. Tính đến nay, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận 14 xe cứu thương cùng nhiều trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng. Đây là nguồn động viên kịp thời để tỉnh Phú Thọ và ngành y tế có điều kiện tốt hơn trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...