VietinBank: Nợ xấu tăng mạnh, thoái vốn khỏi 3 công ty con
Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, mặc dù lợi nhuận dòng tăng mạnh nhưng nợ xấu của VietinBank cũng tăng, ngân hàng này cũng đang có kế hoạch thoái vốn khỏi 3 công ty con.
Báo cáo tài chính cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2021 lên tới 1,34%, trong khi cuối quý I/2021, tỷ lệ này chỉ là 0,88% và cuối quý IV/2020 là 0,94%. Đáng chú ý, nợ xấu nhóm 5 tăng 106% so với cùng kỳ và 119% so với quý trước do ngân hàng thực hiện việc phân loại nợ một cách chặt chẽ để phục vụ cho các mục tiêu quản lý. Qua đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 129% cuối quý II/2021, thay vì mức 155,4% cuối quý I/2021 và 132% cuối quý IV/2020.
VietinBank trích lập dự phòng tăng mạnh trong quý II/2021 đã kéo lợi nhuận ròng giảm 38,2%, xuống còn 2.206 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của VietinBank vẫn tăng 44,8% so với cùng kỳ, đạt 8.668 tỷ đồng, tương đương 51,6%.
Giới chuyên gia tài chính cho rằng, VietinBank đang phân loại nợ chặt chẽ hơn để kiểm soát chất lượng tài sản.
Hiện tại, VietinBank đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng trụ sở VietinBank Tower. Đây là dự án được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa nhà 48 và 68 tầng tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng, khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chậm tiến độ.
Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4/2021, lãnh đạo VietinBank cho biết, đến hết quý I/2021, đã có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án trụ sở mới của ngân hàng, bao gồm 21 nhà đầu tư đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án.
Một nội dung đáng chú ý trong cuộc họp trên là VietinBank sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5% đối với các khoản vay hiện hữu hoặc vay mới, ưu đãi thanh toán quốc tế, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các khoản vay thanh toán trước hạn... với tổng chi phí ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.
VietinBank dự kiến ghi nhận thu nhập từ phân phối bảo hiểm độc quyền vào nửa cuối năm 2021 hoặc quý đầu tiên năm 2022 khi Manulife hoàn tất các thủ tục pháp lý. Cuối năm 2020, VietinBank và Manulife Việt Nam thông báo đã ký thỏa thuận thành lập quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền trong 16 năm. VNDirect kỳ vọng doanh số bán bảo hiểm của ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng kép 100% trong 3 năm tới, mức nhanh nhất trong các ngành kinh doanh của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, VNDirect ước tính VietinBank sẽ nhận được 250 triệu USD phí độc quyền trả trước, phân bổ ghi nhận trong 5 năm từ cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Cùng với đó, VietinBank cũng đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi 3 công ty con là: Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV VietinBank Leasing; Công ty Cổ phần Chứng khoán VietinBank và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank Capital.
Đây là thông tin được Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect ghi nhận trong cuộc họp giữa ban lãnh đạo VietinBank và các chuyên viên phân tích diễn ra mới đây. Cụ thể, đối với Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV VietinBank Leasing, Hội đồng Quản trị VietinBank đã chấp thuận kế hoạch chuyển 50% vốn điều lệ; trong đó, 49% cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance và 1% cho nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán VietinBank, ngân hàng này có kế hoạch chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ trong tương lai (giảm sở hữu từ 75,6% xuống 50%) ngay khi tìm được đối tác. VietinBank cũng đang cân nhắc kế hoạch thoái vốn trong tương lai với Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank Capital.