Vì sao Toà Hà Nội xử kín vụ ông Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm chiếm đoạt tài liệu mật?
Theo quyết định của TAND TP.Hà Nội, vụ án ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước sẽ được xử kín vào sáng ngày 11/12.
Theo thông báo từ TAND TP Hà Nội, vào sáng ngày 11/12, đơn vị này sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước trong vụ án Nhật Cường.
Theo quyết định, vụ án sẽ được xét xử kín. HĐXX gồm 3 người, do thẩm phán Trương Việt Toàn ngồi ghế chủ tọa.
Trao đổi với PV, thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên tòa xử sơ thẩm cho biết, vụ án ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm sẽ toà án xử kín nhưng khi đến phần tuyên án sẽ công khai.
Còn theo một lãnh đạo TAND TP Hà Nội, việc xử kín đối với vụ án ông Nguyễn Đức Chung là căn cứ vào quy định của pháp luật.
Một số chuyên gia pháp lý đã có giải thích thêm, cụ thể, tại Điều 25 BL Tố tụng Hình sự 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định.
Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Luật sư Hà Kim Tâm (Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung cùng các bị cáo bị truy tố về tội danh liên quan đến tài liệu bí mật nhà nước. Việc tòa quyết định xử kín có lẽ xuất phát từ yêu cầu cần giữ kín các bí mật này.
Dù xét xử kín nhưng theo luật sư Tâm, tòa vẫn sẽ tuyên án công khai. Cụ thể, Điều 327 BL TTHS 2015 quy định: Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án, sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.
Cũng theo một số luật sư, trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết.
Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Đây cũng là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án, ông Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ C03) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ mật liên quan đến vụ án Nhật Cường.
Trong đó, ông Dũng đã chuyển cho ông Chung hai lần gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ mật. Đối với Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (thư ký của ông Chung), hai bị cáo này tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.
Ông Chung và ông Dũng cùng bị truy tố về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo khoản 3 Điều 337 BLHS với khung hình phạt 10-15 năm tù. Trong đó, ông Chung được xác định có vai trò chủ mưu.
Hai bị cáo còn lại là Trung và Ngọc bị truy tố cùng tội danh trên nhưng ở khoản 1 Điều 337 BLHS với khung hình phạt 2-7 năm tù.