Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 10/02/2025 13:07 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ hướng tới không dùng thẻ BHYT giấy

Theo dõi GĐ&PL trên

Việc sử dụng căn cước công dân, VNeID, VssID thay thẻ BHYT bằng giấy đã thành thường quy tại nhiều cơ sở y tế.

tm-img-alt
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Khám bệnh chỉ cần căn cước

Thời gian gần đây, đi khám tiểu đường định kỳ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà Nguyễn Thu Hoài (ở Ninh Bình) không còn phải lỉnh kỉnh soạn giấy tờ khi đi khám.

“Gần đây, tôi đi khám chỉ cần trình căn cước công dân là thay được nhiều giấy tờ, không cần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bằng giấy như trước, thuận lợi khi đi khám bệnh. Thời gian làm thủ tục, khám cũng nhanh hơn nhiều. Nhất là với người già, tuổi cao, việc giữ nhiều giấy tờ khá khó khăn, dễ bị thất lạc”, bà Hoài cho biết.

Là bệnh nhân phải thăm khám định kỳ lấy thuốc BHYT tại Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), ông Trần Văn Luận (85 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) cũng chỉ cần cầm theo căn cước công dân mỗi lần đi khám.

Ông Trần Văn Luận cho biết: “Trước kia mỗi lần đi khám tôi ngại vì phải đi từ sáng sớm, xếp hàng và chờ đợi; nhưng hiện nay, thời gian được rút ngắn xuống nhiều, chỉ khoảng 2 giờ là tôi có thể lấy được thuốc ra về. Bệnh nhân chỉ cần cầm theo căn cước công dân, nhân viên bệnh viện quét mã là hiện đầy đủ thông tin nhanh chóng”.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc kết nối dữ liệu đã hoàn thành và người dân hoàn toàn có thể dùng căn cước công dân có gắn chip thay thế thẻ BHYT bằng giấy. Hiện nay, người dân đi khám bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT qua app VssID hoặc căn cước công dân có gắn chip, không cần xuất trình thẻ BHYT giấy.

Tuy nhiên, vừa qua vẫn còn phản ánh từ người bệnh về việc vẫn có cơ sở y tế bắt người bệnh xuất trình thẻ BHYT bằng giấy. Nếu bệnh viện hay cơ sở y tế yêu cầu người bệnh xuất trình thẻ giấy là chưa đúng. Đơn vị cũng sẽ tiến hành thanh, kiểm tra việc các cơ sở y tế bắt buộc người bệnh xuất trình thẻ BHYT bằng giấy.

Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong quản lý thông tin đã giúp ích nhiều trong việc tiếp đón, tiếp nhận khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Đặc biệt, trong khám chữa bệnh BHYT đã có nhiều thay đổi nhờ ứng dụng công nghệ.

Đặc biệt vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01 thay thế Thông tư số 40 về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT để khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc thời gian qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, những quy định mới đã giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Theo đó, phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID của Bộ Công an.

Quản lý bằng công nghệ

Đến cuối năm 2024, cả nước đã có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Trong đó đã có gần 600.000 giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại được đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục C06 Bộ Công an; hiển thị lên ứng dụng VNeID.

Theo đó, các thông tin của người bệnh được cập nhật trên ứng dụng VNeID có giá trị như trên bản giấy gồm: Thông tin cá nhân; số định danh công dân, thông tin thẻ BHYT; lịch sử khám, chữa bệnh; phiếu hẹn khám lại; giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID có giá trị như trên bản giấy. Thông tin sức khỏe cá nhân trên Sổ sức khỏe điện tử VNeID có chế độ bảo mật như những thông tin khác trên VNeID. Bộ Y tế kiểm soát đối với dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đánh giá: “Việc triển khai phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT điện tử và phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển người bệnh, tái khám. Đồng thời, cũng giúp minh bạch trong công tác chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tái khám”.

Việc ứng dụng công nghệ trong tích hợp giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám bảo hiểm y tế lên sẽ tạo kho dữ liệu tập trung, phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám...

Cùng chuyên mục

Mưa trái mùa, nhiều dịch bệnh "tấn công" trẻ
Những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận xuất xuất hiện những cơn mưa trái mùa, thời tiết se lạnh về đêm và sáng. Theo các chuyên gia y tế, thay đổi thời tiết đột ngột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dẫn đến dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
"Yoga cho não" giúp cai nghiện rượu
Tại bệnh viện đại học Brugmann ở thủ đô Brussels của Bỉ, một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được nghiên cứu và áp dụng cho những bệnh nhân nghiện rượu nặng: Neurofeedback.

Tin mới

Những lưu ý đối với người nộp thuế khi thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động
Trước việc vẫn còn nhiều người nộp thuế (NNT) có những băn khoăn về hồ sơ quyết toán, quy trình hoàn thuế tự động và cơ quan thuế sẽ làm gì để hỗ trợ cho NNT, Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) đã có thông tin giải thích rõ để NNT yên tâm thực hiện.