Từ vụ thầy giáo đánh, tát nhiều học sinh ở Lai Châu: Cần tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức giáo viên
Đối với hành vi bạo hành trẻ em, tùy theo tính chất, mức độ hành vi, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mới đây, một chủ tài khoản Facebook có tên H.N. đăng clip kèm theo nội dung: "Thầy giáo đánh học sinh dã man tại Trường Trung học cơ sở Mường Cang, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu". Theo những hình ảnh trong đoạn clip dài hơn 20 giây, một người đàn ông đã có hành động túm tóc, tát liên tiếp… vào mặt những học sinh nam trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Qua xác minh sơ bộ ban đầu, thời điểm xảy ra sự việc khi thầy H. đang dạy tiết thể dục, lúc đó trời có mưa, thầy H. cho các em vào mái vòm ở khu nhà bán trú để các em tiếp tục học.
Sau đó, thầy giáo có đi vệ sinh, trước khi đi vệ sinh thầy có quán triệt các em học các động tác mà thầy giáo giao, tuy nhiên một số em học sinh không thực hiện theo yêu cầu mà lại vào phòng bán trú của các bạn nằm, chơi đùa ở trong đó. Khi thầy quay trở lại lớp thì không thấy học sinh đâu, khi đi tìm thì thấy học sinh đóng cửa nằm trong đó. Do thầy giáo đã nhắc nhở quán triệt học sinh nhiều lần nhưng học sinh không chấp hành dẫn đến việc thầy giáo không kiềm chế được hành động của mình.
Hiện, thầy giáo trong vụ việc trên đang bị đình chỉ 7 ngày làm việc để làm rõ sự việc.
Dẫu biết giáo dục cần có sự nghiêm khắc để dạy dỗ học sinh nhưng sự việc trên đây một lần nữa gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt xã hội, phụ huynh và trong chính các em học sinh.
Xử lý thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Công ty Luật TNHH TGS nhận định, trong môi trường giáo dục, thầy cô giáo có quyền có biện pháp xử phạt học sinh nếu học sinh vi phạm nội quy. Tuy nhiên, việc giáo viên đánh học sinh là hành vi hoàn toàn sai, vi phạm pháp luật và đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Theo Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo hành trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Giáo viên có hành vi đánh đập học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi bạo hành trẻ em, tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà thầy giáo đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;
- Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
- Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
- Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, đối tượng nhà giáo có hành vi ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em với mức độ đặc biệt nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hoặc về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Cần tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức giáo viên
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, sau hàng loạt vụ việc giáo viên bạo hành học sinh, các cơ sở giáo dục cần tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị. Cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức là bài học sâu sắc với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.
Các địa phương cần thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh. Có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin các cơ sở giáo dục để chủ động xử lý, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra. Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học.
Thầy cô là những người dẫn dắt học sinh phát triển đúng định hướng, mang đến kiến thức cho học sinh. Đây là trách nhiệm và đồng thời cũng là nỗi mong mỏi của bất cứ ai đang theo nghề giáo. Thế nhưng, trên thực tế, việc thực hiện được nghĩa vụ này không hề dễ dàng. Người thầy cô không nên để cảm xúc cá nhân xem lẫn vào việc giảng dạy, phải có sự công bằng giữa các học sinh, hạn chế việc ứng xử phân biệt. Bên cạnh công bằng, giáo viên còn cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học sinh. Nếu học sinh có phạm lỗi, thay vì chỉ trích gay gắt, người thầy, cô nên có cách xử lý nhẹ nhàng hơn. Tùy vào mỗi học sinh mà người giáo viên cần có cách giao tiếp khác nhau, tránh việc áp đặt lên học sinh. Đặc biệt, người giáo viên cần xây dựng cho mình hình mẫu chuẩn mực trước học sinh trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết thêm, trẻ em bị bạo hành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý, trẻ có xu hướng tiêu cực, dễ mất lòng tự trọng. Hậu quả của bạo hành đối với trẻ em là lâu dài và ghê gớm hơn nhiều so với những vết thương trên cơ thể. Trong trường hợp học sinh bị đánh, tát ảnh hưởng về các vấn đề liên quan đến tâm lý thì người chịu trách nhiệm trước hết là người thầy/cô giáo đã có hành vi bạo hành với học sinh. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà người giáo viên có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người giáo viên buộc phải xin lỗi công khai đối với học sinh trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật của học sinh có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Bên cạnh đó, để học sinh bị bạo hành trách nhiệm không chỉ của nhà trường, mà cũng cần phải xem lại trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường khi để xảy ra vụ việc. Hiệu trưởng nhà trường không thể đứng ngoài cuộc khi chính những những giáo viên lại có những hành vi bạo hành đối với học sinh trong trường mình đang phụ trách. Vì vậy, sự giám sát của Hiệu trưởng phải có trách nhiệm rất cao trong các trường hợp trong trường mình xảy ra vụ việc.