Từ vụ nữ sinh ở An Giang tự tử, nhìn lại những 'đòn' phạt của giáo viên từng gây phẫn nộ nhất
Vụ việc nữ sinh tự tử vì những uất ức về cách cư xử của giáo viên và hình phạt của nhà trường nói trên chỉ là một trong số rất nhiều những vụ việc liên quan đến những hình phạt thiếu nhân văn trong môi trường học đường.
Trên thực tế, dư luận từng phẫn nộ tột độ trước những "đòn" phạt vô cùng nặng nề của giáo viên dành cho học sinh.
Thời gian gần đây, vụ việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang uống thuốc tự tử, để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ những uất ức với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã khiến dư luận "dậy sóng".
Theo lá thư tuyệt mệnh mà nữ sinh này để lại có nội dung, nữ sinh muốn lấy cái chết để chứng minh mình không phạm lỗi như trường đã xử lý.
Theo mẹ ruột nữ sinh, việc nữ sinh này uống thuốc tự tử là do uất ức với cách xử lý của nhà trường. Nguyên nhân bắt đầu từ việc nữ sinh không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức.
Đồng thời, giáo viên dạy môn toán trong lớp “để ý” em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y” và có lời nói làm nhiều bạn học trong lớp chú ý, khiến em ngượng ngùng. Mặc dù, nhà trường không có quy định hoặc hướng dẫn nào về việc mặc áo dài cụ thể, để các nữ sinh thực hiện.
Trong một buổi nhắc nhở nữ sinh của cô Huỳnh Thị Thu Huệ (giáo viên chủ nhiệm của nữ sinh), nữ sinh này đã dùng điện thoại ghi âm lại cuộc nói chuyện với thái độ rất căng thẳng của giáo viên này với em. Sau đó nữ sinh bị buộc vi phạm sử dụng điện thoại ghi âm trong giờ học.
Với những vi phạm trên, nữ sinh phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1-12/12. Hằng ngày, nữ sinh phải có mặt tại trường từ 6h30-6h50 để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động tại trường.
Uất ức vì những hình phạt vô lý của nhà trường và thầy cô, nữ sinh đã chọn cách uống thuốc tự tử để giải tỏa căng thẳng bấy lâu nay đang chịu đựng.
Vụ việc trên chỉ là một trong số rất nhiều những vụ việc liên quan đến những hình phạt thiếu nhân văn của giáo viên đối với học sinh. Cùng điểm lại những "đòn phạt" của giáo viên từng khiến dư luận xôn xao đến phẫn nộ:
Bắt học trò ngậm, uống nước giẻ lau bảng
Một học sinh lớp 3, trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) nói chuyện trong lớp đã bị cô giáo phạt bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng.
Nữ giáo viên này từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế và có văn bằng 2 hệ đại học sư phạm tiểu học, đồng thời là con gái của một lãnh đạo ngành giáo dục cấp huyện. Cô giáo này sau đó bị chấm dứt hợp đồng, ra khỏi ngành giáo dục.
7 năm trước, ở Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (Củ Chi, TP.HCM), khi quay lên bảng viết bài thì lại nghe dưới lớp có tiếng ồn ào, một nữ giáo viên dọa sẽ quẹt giẻ lau bảng vào miệng học sinh nào nói chuyện riêng. Nữ giáo viên nhắc nhiều lần nhưng không có tác dụng nên sau đó bắt 11 học sinh chuyền nhau chiếc giẻ lau bảng để ngậm.
Phạt học trò súc miệng bằng xà phòng vì làm ảnh hưởng đến thi đua khen thưởng
Ngày 03/10/2015, cô Lê Thị Mỹ Hạnh - giáo viên chủ nhiệm của lớp 6C của trường THCS Nhân Đạo (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã buộc 7 học sinh của lớp 6C phải súc miệng bằng xà phòng trong buổi sinh hoạt lớp.
Cô Mỹ Hạnh đưa ra hình phạt này vì lớp 6C luôn xếp cuối trong thi đua khen thưởng của nhà trường. Đây cũng là cách để học sinh phải ngoan ngoãn hơn.
Sau sự việc, cô Lê Thị Mỹ Hạnh đã buộc phải thôi công việc chủ nhiệm lớp 6C. Đồng thời, cô Hạnh cũng đã phải viết bản tường trình, kiểm điểm trách nhiệm và xuống từng nhà học sinh để xin lỗi.
Bắt học sinh liếm ghế
Vào tiết học cuối cùng của ngày 17/4/2003, cô Trần Thị Phương Lan, giáo viên Anh Văn, lớp 7I trường THCS Hoa Liên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), đã bắt 47 học sinh phải liếm ghế cho sạch sau khi phát hiện ghế giáo viên và hai bàn đầu của lớp học bị vẽ bẩn.
Chưa dừng lại, cô Lan bắt các em bỏ phiếu kín ghi tên “kẻ trót dại”. Kết quả cuộc thăm dò cũng không thu được kết quả vì tất cả đều là phiếu trắng.
Lúc này, cô Lan "nổi điên" xé phiếu bỏ vào thùng rác rồi tiến hành hình phạt đợt 2 như cũ.
Ngày 7/5, Phòng Giáo dục của huyện đã triệu tập cô Lan để làm rõ sự việc, và chỉ đạo cô giáo Lan phải xin lỗi từng nhà và xin chữ ký của tất cả phụ huynh học sinh lớp 7I.
Đến ngày 3/6, Hội đồng kỷ luật Phòng GD&ĐT Nghi Xuân nhóm họp kết luận kỷ luật cô Trần Thị Phương Lan với hình thức hạ ngạch công chức, chuyển từ giáo viên xuống làm văn thư hành chính.
Cho bạn cùng lớp tát học sinh... 230 cái vào má
Chiều ngày 19/11/2018, em H.L.N. (11 tuổi, học sinh lớp 6.2 - Trường THCS xã Duy Ninh) có lỡ miệng nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi vào sổ.
Phát hiện sự việc, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977, chủ nhiệm lớp 6.2 - Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã đưa ra hình phạt với em N. Cụ thể, cô Thủy bắt toàn bộ học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má N.
Theo lời học sinh N., tổng cộng mà em học sinh này phải nhận là 231 cái tát từ 23 bạn (mỗi bạn 10 cái) và lĩnh 1 tát từ cô chủ nhiệm.
Sau trận đòn "man rợ" từ bạn và cô giáo chủ nhiệm mình, em N. mặt mũi tím sưng, tinh thần hoảng loạn, không nói được nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Phạt học sinh ăn ớt
Năm 2014, ba giáo viên ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã phạt hàng chục học sinh các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp.
Nhiều học sinh bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục.
Đánh học sinh tím đùi
Cô giáo lớp 3 trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, bị kỷ luật khiển trách sau khi dùng thước gỗ đánh học trò 15 cái, bầm tím đùi.
Sáng 6/10/2020, trong giờ toán, bé gái không mang theo đồ dùng học tập. Khi cô giáo chủ nhiệm gọi lên bảng làm bài, bé làm không tốt nên bị đánh bằng thước gỗ 15 cái vào đùi gây bầm tím mảng rộng 15 cm, dài 30 cm.