Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 15/01/2025 10:21 (GMT+7)

Tử vong vì không tiêm vaccine mà đến thầy lang lấy "nọc độc" sau khi bị chó cắn

Theo dõi GĐ&PL trên

Ngày 14/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Đồng Nai, cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc bệnh dại. Đáng nói, trường hợp này sau khi bị chó nghi dại cắn không thực hiện tiêm ngừa vaccine phòng dại mà chỉ đi nhờ thầy lang lấy nọc độc.

Trường hợp tử vong là anh Đ.V.M, 38 tuổi, ngụ ấp 6, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, ngày 4/1, anh M có triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Anh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Thành được chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết, tăng huyết áp và chỉ định nhập viện.

Tuy nhiên, anh không chấp nhận và xin về. Đến tối, gia đình đưa anh M đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị. Qua khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ chỉ định theo dõi bệnh dại phân biệt, viêm màng não. Đến 3 giờ, ngày 9/1, bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở, tử vong trong cơn kích động.

Ngày 13/1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh trả kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.

Qua điều tra dịch tễ, ngày 22/9/2024, anh M cùng hai người bạn đến quán billiards do anh D.V.T (31 tuổi, ngụ ấp 6, xã Phước Bình) làm chủ. Tại quán có nuôi 5 con chó (1 chó mẹ, 4 chó con khoảng 1 tháng tuổi), toàn bộ chưa được tiêm vaccine phòng dại. Trong đó, một con chó con có triệu chứng bỏ ăn, ủ rũ.

Trong quá trình chơi, anh M cùng hai người bạn bị chó con nằm dưới bàn billiards cắn vào chân. Do nghĩ là chó nhà nuôi, còn bé nên 3 người đều không xử trí vết thương.

Sau đó, thấy vết thương sưng, đau nên anh M cùng bạn là anh D.V.H đã đến nhà thầy lang V.V.T (ấp 7, xã Phước Bình) để “lấy nọc độc” nhưng không đi tiêm ngừa vaccine.

Ngày 23/9/2024, cháu D.G.H (6 tuổi, cháu anh T) đến quán billiards chơi và bị chó cắn vào tay phải. Thấy chó con cắn nhiều người, anh T đã đem con chó đi xích lại và cũng bị chó cắn vào tay. Sau đó, cháu H được người nhà đưa đi tiêm phòng đủ 5 mũi vaccine phòng bệnh dại.

Liên tiếp những ngày sau đó, 4 con chó con có dấu hiệu bất thường và lần lượt chết.

Theo CDC tỉnh Đồng Nai, ngay sau khi ghi nhận sự việc, lực lượng chức năng đã tiến hành khử trùng khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Qua quá trình điều tra ghi nhận có 5 người bị chó dại cắn. Ngoài 1 người tử vong và 1 người khác đã tiêm đủ 5 mũi vaccine phòng dại, 3 người khác chưa xử trí vết thương.

Ngày 8/1, cả 3 được vận động tiêm 1 mũi vaccine phòng dại và chưa ghi nhận triệu chứng bất thường. Ngoài ra có 8 người nhà của chủ quán billiards tiếp xúc với con chó nhưng chưa rõ tình trạng phơi nhiễm, chưa tiêm vaccine dại.

CDC Đồng Nai nhận định sau khi bị chó cắn, con vật đã có biểu hiện ốm, nghi dại song các trường hợp bị phơi nhiễm còn chủ quan, không xử trí vết thương, hoặc xử trí không đúng cách (lấy nọc bằng phương pháp dân gian) và không thực hiện tiêm vaccine cũng như huyết thanh kháng dại.

Từ tháng 3/2023 đến nay, trên địa bàn xã Phước Bình, huyện Long Thành ghi nhận 4 ổ dịch dại trên chó; tại ấp 6 ghi nhận 2 ổ dịch dại trên chó. Khu vực xung quanh nhà bệnh nhân ghi nhận các hộ gia đình có nuôi rất nhiều chó thả rông, không rọ mõm, phần lớn đã được tiêm phòng dại, nhưng vẫn còn nhiều con còn lại chưa được tiêm.

CDC tỉnh Đồng Nai đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh dại khẩn cấp, tiến hành các biện pháp quản lý đàn chó mèo; tăng cường rà soát số vật nuôi chưa được tiêm phòng bệnh dại để tiến hành tiêm bổ sung; theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của các trường hợp bị cào, cắn, có tiếp xúc với con vật nghi mắc dại và các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường tuyên truyền người dân không chủ quan với bệnh dại lây truyền từ động vật sang người; khi bị chó, mèo cào, cắn phải rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, người dân không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương; phải đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ tiêm huyết thanh, vaccine phòng ngừa bệnh dại.

Ngành Y tế Đồng Nai đã vận động thầy lang V.V.T ký cam kết không thực hiện hành vi “lấy nọc độc” chó dại.

Cùng chuyên mục

Ô nhiễm không khí làm tổn thương nghiêm trọng não bộ
Theo tập san khoa học Nature ngày 14/1, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm với chứng sa sút trí tuệ và các rối loạn não bộ khác. Giờ đây, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế gây hại của các chất ô nhiễm và mức độ tác động của chúng.
Tránh gây hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là với virus gây viêm phổi
Chiều 8/1, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay, trên hệ thống giám sát và thực hiện ghi nhận từ các kênh báo chí, mạng xã hội có thông tin về các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc. Kết quả giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc ghi nhận tác nhân chủ yếu là virus cúm hMPV.

Tin mới

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí khi áp dụng Nghị định 168
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, sau gần nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông bước đầu giảm cả 03 tiêu chí.
Ô nhiễm không khí làm tổn thương nghiêm trọng não bộ
Theo tập san khoa học Nature ngày 14/1, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm với chứng sa sút trí tuệ và các rối loạn não bộ khác. Giờ đây, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế gây hại của các chất ô nhiễm và mức độ tác động của chúng.