Triển vọng mới trong điều trị ung thư từ tài nguyên biển
Các nhà khoa học đã lưu trữ 65 chủng vi nấm biển tại bộ sưu tập vi sinh vật biển thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, tạo nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu tiếp theo như thuốc kháng sinh, bảo vệ tim mạch và chống ôxy hóa.
Trước nhu cầu phát triển các loại thuốc chống ung thư mới có nguồn gốc sinh học, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn, gần đây, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện thành công đề tài: "Nghiên cứu thu nhận các hợp chất kháng ung thư từ vi nấm biển được phân lập từ hải miên ở vùng biển Khánh Hòa" (mã số: VAST06.02/21-22), cấp Viện Hàn lâm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Thanh Vân, Tư vấn viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang đánh giá, kết quả từ đề tài nghiên cứu trên khẳng định tiềm năng lớn của vi nấm biển từ vùng biển Khánh Hòa trong phát hiện các hợp chất kháng ung thư, mở ra cơ hội ứng dụng trong điều trị ung thư. Cùng với đó, các nhà khoa học đã lưu trữ 65 chủng vi nấm biển tại bộ sưu tập vi sinh vật biển thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, tạo nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu tiếp theo như thuốc kháng sinh, bảo vệ tim mạch và chống ôxy hóa.
Chia sẻ cụ thể quá trình nghiên cứu đề tài, Tiến sỹ Phan Thị Hoài Trinh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã phân lập 65 chủng vi nấm từ 36 mẫu có nguồn gốc từ hải miên ở Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa và xác định 30 chủng có khả năng gây độc đối với 2 dòng tế bào: Ung thư vú (MCF-7) và ung thư cổ tử cung (Hela) ở người. Đặc biệt, 2 hợp chất kháng ung thư tiềm năng đã được chiết xuất thành công từ một chủng vi nấm biển thuộc chi Aspergillus.
Theo Tiến sỹ Phan Thị Hoài Trinh, khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu là cao chiết lên men từ chủng vi nấm tuyển chọn Aspergillus có phổ chất quá đa dạng, gây khó khăn trong việc phân tách và thu nhận hợp chất sạch. Vì vậy, dù đã phát hiện nhiều hợp chất qua phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao ghép 2 lần khối phổ (HPLC-MS), nhưng nhóm chỉ thu được 2 hợp chất chính: vismione E và endocrocin, có hoạt tính gây độc hiệu quả đối với các dòng tế bào ung thư ở người là ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Nhóm nghiên cứu dự đoán, hợp chất vismione E có tác dụng gây độc đáng kể đối với tế bào ung thư vú (MCF-7). Đặc biệt, hợp chất này còn có thể làm giảm khả năng sống, di căn và tăng sinh của tế bào ung thư vú.
Tiến sỹ Phan Thị Hoài Trinh chia sẻ thêm, nhóm cũng đang nghiên cứu phân tách các hợp chất chuyển hóa từ chủng vi nấm Lopadostoma pouzarii. Kết quả đã thu nhận thêm được 7 hợp chất tự nhiên, trong đó có 2 hợp chất mới đã được phát hiện, 2 hợp chất gliorosein và balticolid có hoạt tính gây độc tế bào ung thư.
Cũng trong nghiên cứu này, nhóm đã xây dựng thành công quy trình lên men cho chủng vi nấm Aspergillus nhằm thu nhận được hợp chất kháng ung thư vismione E với hàm lượng cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Hiện tại, nhóm cũng đang mở rộng nghiên cứu, tìm kiếm các hợp chất tiềm năng từ các chủng vi nấm biển định hướng cho những nghiên cứu sâu hơn nhằm phát triển các chế phẩm sinh học mới có khả năng kiểm soát vectơ truyền bệnh sốt xuất huyết an toàn và hiệu quả./.