Trẻ đi học thêm và không đi học thêm có sự khác nhau ra sao? Bố mẹ biết sớm, tương lai con rộng mở
Bố mẹ cần nắm vững 3 khác biệt này để nuôi dạy con phù hợp và hiệu quả.
Việc học của con trẻ đối với các bậc bố mẹ luôn là mối quan tâm lớn. Ai cũng đều mong muốn đứa trẻ của mình học tập đến nơi đến chốn, đạt nhiều thành tựu. Chính vì thế mà ngay từ khi còn nhỏ, đa số các bậc phụ huynh đều tạo điều kiện để con tham gia các lớp học thêm.
Chưa nói đến trẻ em ở bậc tiểu học, thậm chí cả trẻ ở trường mẫu giáo cũng được nhiều bố mẹ gửi đến các lớp bồi dưỡng văn hóa, chẳng hạn như “Lớp học nói tiếng Anh”, “Lớp chuyển tiếp mẫu giáo”,...
Trên thực tế, bản chất của việc học không chỉ là thi cử, điểm số mà quan trọng hơn là trau dồi chất lượng toàn diện và khả năng học tập độc lập của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ chưa hiểu rõ điều này nên đôi khi những sự đầu tư cho việc học của con không hợp lý, hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, có sự khác biệt rất lớn về 3 khía cạnh sau đây giữa những đứa trẻ không đi học thêm và những đứa trẻ đi học thêm. Bố mẹ biết sớm sẽ có thể giúp con cải thiện tương lai sau này.
Sự hứng thú và động lực học tập
Nhà thơ nổi tiếng người Ireland William Butler Yeats đã từng nói: “Giáo dục không phải là đổ đầy xô nước mà là thắp lên ngọn lửa”.
Mục đích của việc phụ huynh bỏ tiền cho con đi học thêm tất nhiên là để nâng cao thành tích của trẻ. Và để đạt được mục tiêu này nhanh chóng thì các lớp dạy thêm chỉ có thể nhồi nhét kiến thức vào học sinh một cách nhanh nhất, thậm chí đôi khi rất qua loa.
Nhưng lại không biết rằng, việc dạy trẻ quá nhiều một cách mù quáng mà không có một hệ thống và phương pháp phù hợp thì sớm muộn gì cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và mất đi hứng thú, nhiệt huyết trong quá trình học tập.
Vai trò của giáo viên thực chất giống như người thắp lửa, kích thích đam mê học tập của trẻ, khơi dậy niềm khao khát tri thức bên trong trẻ. Muốn làm được như thế thì cách giáo dục phải đúng đắn, khoa học và thuận theo sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Nếu một đứa trẻ mất hứng thú học tập, vì liên tục bị bố mẹ ép phải học thêm hết lớp này đến lớp khác thì sớm muộn gì điểm số của con cũng sẽ tụt dốc. Thậm chí thành tích của trẻ ngày càng kém hơn so với những đứa trẻ không bị bố mẹ thúc đi học thêm.
Khả năng học tập độc lập
Khả năng học tập độc lập là khả năng then chốt cho quá trình học tập suốt đời, và phát triển không ngừng của trẻ. Trẻ thiếu khả năng này không những không thể đạt được kết quả cao nhất mà còn có thể phải đối mặt với những thách thức, khó khăn lớn hơn trong xã hội cạnh tranh khốc liệt ở tương lai.
Các lớp dạy thêm, dạy kèm thường có số lượng một kèm một, hoặc nhiều nhất là khoảng 20 học sinh. Giáo viên có thời gian, sức lực và động lực để giúp trẻ sắp xếp kế hoạch học tập, cũng như theo dõi tiến độ học tập của trẻ.
Nhưng giáo viên ở trường học thì khác. Trong một lớp học sẽ có sỉ số học sinh đông, hoặc một giáo viên của bộ môn cụ thể như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh thường không chỉ dạy cho duy nhất một lớp mà là nhiều lớp khác nhau. Chính vì thế mà giáo viên có nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành, cũng như san sẻ sự quan tâm cho nhiều học sinh hơn.
Vậy nên giáo viên ở trường thường dạy cho trẻ nội dung sách giáo khoa, những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất và giao bài tập về nhà tương ứng, chứ không tham gia quá nhiều vào việc học của trẻ. Chính vì thế mà trẻ cần có kỹ năng tự học để có thể nâng cao thêm kiến thức cho bản thân.
Ngược lại, theo thời gian, những đứa trẻ dựa vào các lớp dạy thêm, dạy kèm để nâng cao điểm số có thể sẽ mất khả năng học tập độc lập, do sự can thiệp quá mức của gia sư. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ về sau.
Sự tham gia quá mức của gia sư sẽ khiến trẻ mất dần khả năng học tập độc lập.
Hạnh phúc nội tâm
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nêu trong báo cáo của mình:
"Hạnh phúc thời thơ ấu là nền tảng cho sức khỏe tinh thần, khả năng thích ứng xã hội và thành công của trẻ khi trưởng thành. Một tuổi thơ hạnh phúc có thể mang đến cho trẻ sự hỗ trợ và an toàn cần thiết về mặt cảm xúc, giúp trẻ xây dựng sự tự tin và hình thành quan điểm tích cực về cuộc sống".
Sở dĩ, nhiều bố mẹ cho con đi học thêm chỉ đơn giản là mong điểm số của con sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đôi khi sự kỳ vọng lớn của bố mẹ và những lớp học thêm kéo dài có thể sẽ chiếm hết thời gian giải trí của con, thậm chí còn mang lại áp lực tâm lý và học tập lớn hơn cho trẻ, khiến con cảm thấy khó chịu, lo lắng và làm giảm cảm giác hạnh phúc của trẻ.
Mặt khác, những đứa trẻ không học thêm không những không mắc phải những lo lắng này, mà còn có môi trường học tập, giải trí thoải mái hơn. Nhờ vậy mà trẻ tự nhiên có tâm lý lành mạnh hơn, trạng thái và tính cách vui vẻ hơn.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh đăng ký các lớp học thêm cho con vì 3 lý do sau:
Thứ nhất, kết quả học tập của trẻ ở một môn học nào đó thực sự kém và cần phải cải thiện; thứ hai, bố mẹ bận rộn với công việc và không có thời gian dạy trẻ nên tốt hơn là nên gửi con đến các lớp học thêm; thứ ba, thấy bố mẹ khác đăng ký cho con học thêm, nhiều người cảm thấy lo lắng về đứa trẻ của mình, sợ con thua thiệt bạn bè.
Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều không thể nhận ra rằng, việc cho con đi học thêm quá sớm hoặc quá nhiều có thể không phải là điều tốt nhất đối với trẻ. Chính vì quan điểm này có thể khiến trẻ quá phụ thuộc vào các lớp học thêm, từ đó mất đi hứng thú và khả năng tự học.
Thậm chí còn khiến trẻ phải chịu áp lực học tập lớn mà đánh mất tuổi thơ hạnh phúc, hồn nhiên của mình. Đó là lý do các bậc bố mẹ cần phải cân nhắc kỹ về việc cho con trẻ đi học thêm, nếu chủ quan thì có thể ảnh hưởng đến tương lai của con sau này.