Trách nhiệm của Vietnam Airlines trong vụ khách hàng quên túi xách và mất hơn 30 triệu đồng
Trường hợp khách hàng chứng minh được tài sản của mình bị mất mát do lỗi của một cá nhân khác hay của Hãng thì có quyền yêu cầu bồi thường những tài sản đã mất.
Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản khi có chứng cứ chứng minh theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Liên quan đến vụ việc quên túi xách trên máy bay Vietnam Airlines, hành khách mất hơn 30 triệu đồng. Cụ thể, theo chị H.T.H.N. (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) - một hành khách của Vietnam Airlines cho biết, do chị để quên túi xách cá nhân trên chuyến bay VN251 cất cánh lúc 10 giờ ngày 20/01 và hạ cánh lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày chặng bay Hà Nội tới TP. HCM do hãng hàng không này khai thác. Mặc dù sau đó chị H.T.H.N. đã nhận lại được túi xách cá nhân tại quầy thất lạc hành lý sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, chiếc túi của chị sau khi nhận lại có dấu hiệu bị lục tung, khoản tiền hơn 30 triệu đồng để trong túi đã “bốc hơi”.
Chi N. cũng cho biết, ngay sau khi quay trở lại sân bay Tân Sân Nhất và có mặt tại quầy thất lạc hành lý của Vietnam Airlines, chị được nhân viên thông báo: Đã có 01 nhân viên phòng máy nhặt được túi của xách cá nhân của chị trên máy bay và đang có nhân viên đi lấy về.
"Chờ đợi khoảng 15-20 phút sau tôi được gọi lại quầy để lấy đồ. Lúc này, túi của tôi có dấu hiệu bị lục tung toé, nhân viên quầy thất lạc mặt đất ghi sẵn các đồ dùng trong túi và số tiền còn lại là 06 tờ 500.000 đồng trong ngăn nhỏ của ví + 45.000 đồng tiền lẻ + 24 USD và yêu cầu tôi ký nhận. Do cần giấy tờ và thẻ ATM để phục vụ cho công tác của tôi tại TP. HCM nên tôi đành phải ký nhận", chị N. nói.
Sau khi làm thủ tục cần thiết với các bên liên quan, chị N. đã làm Đơn trình báo với cơ quan công an và được trả lại túi xách, giấy tờ bên trong, tuy nhiên hơn 30 triệu đồng đã biến mất. Chị N. cho biết, tại sân bay chị có yêu cầu hãng hàng không Vietnam Airlines lập biên bản sự việc nhưng đại diện hãng từ chối.
Tết Nguyên đán đang cận kề, chắc chắn rất nhiều người sẽ lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Tuy nhiên liệu khách hàng còn đủ tin tưởng để bay cùng Vietnam Airlines nếu chẳng may xảy ra câu chuyện mất tiền và tài sản như trường hợp của hành khách nêu trên?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc trên, Luật sư Vũ Văn Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho biết: Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ vận chuyển của hãng hàng không Vietnam Airlines được công khai trên trang thông tin điện tử https://www.vietnamairlines.com: “Hành lý là là những vật phẩm, đồ dùng và tư trang cá nhân của Hành khách được xem là cần thiết hoặc thích hợp cho việc mang, sử dụng trong chuyến đi. Trừ khi được quy định khác đi, Hành lý bao gồm cả Hành lý ký gửi và Hành lý xách tay của Hành khách. Hành lý ký gửi là Hành lý mà Chúng tôi chịu trách nhiệm bảo quản và xuất Thẻ hành lý. Hành lý xách tay là bất kỳ Hành lý nào của Hành khách, không phải Hành lý ký gửi, bao gồm tất cả vật dụng được Hành khách mang lên khoang tàu bay và do Hành khách tự bảo quản trong quá trình vận chuyển”.
Bên cạnh đó, Điều 16.3 cũng quy định về trách nhiệm của Vietnam Airlines đối với thiệt hại về Hành lý: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với các Thiệt hại về Hành lý xách tay (không tính các trường hợp Thiệt hại gây ra bởi việc chậm chuyến bay được quy định tại Điều 16.4 dưới đây) trừ trường hợp thiệt hại gây ra do lỗi của chúng tôi hoặc của Đại lý được chỉ định của chúng tôi”.
Như vậy theo quy định của hãng, Vietnam Airlines sẽ bảo quản và chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về hành lý ký gửi của hành khách khi hành lý được ký gửi và giao cho hãng; không chịu trách nhiệm đối với mất mát, thiệt hại về hành lý xách tay trừ trường hợp thiệt hại do lỗi của Hãng.
Trong trường hợp này, túi xách được khách hàng mang lên máy bay là hành lý xách tay và là hành lý do khách hàng tự bảo quản trong quá trình vận chuyển. Việc quên túi xách trên máy bay là lỗi chủ quan của khách hàng. Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ khách hàng tìm kiếm tài sản bị bỏ quên, trường hợp được tìm thấy sẽ được lưu giữ tại sân bay đến Hành khách liên hệ với Hãng để nhận lại tài sản của mình.
Trường hợp khách hàng chứng minh được tài sản của mình bị mất mát do lỗi của cá nhân khác hay của Hãng thì có quyền yêu cầu bồi thường những tài sản đã mất.
Ngoài ra, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản khi có chứng cứ chứng mình theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định cụ thể như sau:
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.