Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 19/09/2024 06:33 (GMT+7)

TP HCM đặt mục tiêu công bố hết dịch sởi vào giữa tháng 10

Theo dõi GĐ&PL trên

TP HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi để sớm công bố hết dịch.

Chiều 18/9, tại TP HCM đã diễn ra cuộc họp giao ban về tình hình dịch sởi và tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính từ tuần thứ 37 (ngày 9/9 đến ngày 15/9), dịch sởi ở khu vực phía Nam vẫn tăng nhanh. 11 trong số 20 tỉnh phía Nam có số ca sởi tăng cao.

Tại TP HCM, tuần 37 ghi nhận 95 ca mắc sởi, tăng 15,2% so với trung bình 4 tuần trước, không có ca tử vong.

TP HCM đặt mục tiêu công bố hết dịch sởi vào giữa tháng 10
TP HCM đặt mục tiêu công bố hết dịch sởi vào giữa tháng 10. Ảnh minh họa. https://suckhoeviet.org.vn/.

Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 614 ca. Đã có 10/22 quận, huyện có số ca mới tăng so với trung bình 4 tuần trước như TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 5…

Đối với tình hình dịch trong trường học, tuần 37 ghi nhận có 9 trường tại 6 quận, huyện có số ca mắc mới, giảm một trường so với tuần trước đó.

Tích lũy từ đầu mùa dịch đến nay, TP có 55 trường học tại 16/22 quận/huyện có ca bệnh sởi. Trong đó, 25 trường kết thúc theo dõi và 30 trường còn đang theo dõi (dưới 21 ngày).

Tuần qua, TP HCM thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn, 12 tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch tại trường học.

Tính đến ngày 17/9, các địa phương rà soát được gần 429.000 trẻ từ 1-5 tuổi cần tiêm vaccine sởi, trong đó hơn 49.000 trẻ thiếu mũi vaccine, chủng ngừa được hơn 62%. Nhóm 6-10 tuổi có hơn 588.000 trẻ, trong đó hơn 178.000 trẻ chưa đủ mũi, đang được tiêm chủng.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định thành phố đã có nhiều động thái tích cực trong tăng cường tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn các quận/huyện có tốc độ tăng số ca sởi cao, chủ yếu tập trung ở các vùng ven. Những nơi này có các hộ dân, công nhân ở trọ rất đông nên việc nắm số lượng người dân trên địa bàn còn hạn chế, khó tiếp cận.

Ngoài ra, các trẻ ở chung khu nên giao lưu nhiều, dễ có nguy cơ hơn. Vì vậy cần tăng cường bao phủ vaccine hơn nữa.

Bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra công tác tiêm chủng ở địa phương, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho trẻ; yêu cầu Công an Thành phố, Sở Y tế, các quận, huyện tăng cường rà soát, đối chiếu để xác định danh sách chuẩn của trẻ từ 1-10 tuổi cần tiêm vaccine sởi; tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân và khu dân cư để người dân đưa con em đi tiêm chủng.

Điều kiện sau 21 ngày tiêm xong không còn ca nhiễm mới tiến đến công bố hết dịch. Mục tiêu mà Thành phố đặt ra là cơ bản hoàn thành tiêm chủng trong tháng 9 này và cố gắng công bố hết dịch sởi vào giữa tháng 10.

Cùng chuyên mục

Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.

Tin mới

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ 2025 các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 04 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.