Tiết lộ của thợ lặn tìm kiếm máy bay Indonesia: Phi cơ nát vụn, chỉ thấy những mảnh thi thể nạn nhân
Thợ lặn tham gia nhiệm vụ tìm kiếm xác chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Sriwijaya Air tin rằng chiếc phi cơ có thể đã bị phá hủy hoàn toàn sau khi nó lao xuống biển Java hôm 9/1.
Bayu Wardoyo thường bỏ bữa sáng lúc 6 giờ dành cho các thợ lặn tìm kiếm xác chiếc Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air. Anh thích cà phê, đồ ăn nhẹ và một ít trái cây để chuẩn bị cho ngày làm việc dài phía trước.
Cuối buổi sáng, Wardoyo mặc bộ đồ lặn màu đen với các dụng cụ chuyên dụng bước lên xuồng cao tốc để đi khu vực tìm kiếm trong điều kiện gió mùa đặc trưng của khu vực. Tới nơi, Wardoyo lại bắt đầu xuống nước để mò mẫm dưới đáy biển nhằm tìm kiếm xác chiếc máy bay gặp nạn.
Nhiều vụ tai nạn máy bay xảy ra ở Indonesia trong thập kỷ qua và Wardoyo cũng góp mặt trong nhiều nhiệm vụ tìm kiếm dưới đáy biển. Người đàn ông 49 tuổi này nằm trong số những người tham gia tìm kiếm chiếc máy bay của hàng hàng không AirAsia khi nó chở 162 người lao xuống biển Java hồi tháng 12/2014.
Chưa đầy 4 năm sau, Wardoyo tiếp tục tìm kiếm mảnh vỡ và thi thể trong vụ tai nạn máy bay của hàng Lion Air làm 189 người thiệt mạng. Bây giờ, anh tiếp tục trở lại biển Java một lần nữa sau khi Chuyến bay 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air lao xuống biển với 62 người, trong đó có 7 trẻ em và 3 trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, Wardoyo chưa bao giờ chứng kiếm một thảm họa hàng không kinh hoàng như lúc này.
"Vụ tai nạn của Sriwijaya này là tồi tệ nhất. Thân máy bay bị phá hủy hoàn toàn và nằm rải rác. Chúng tôi chỉ tìm thấy những mảnh thi thể người. Trong vụ tai nạn của Lion Air, chúng tôi vẫn tìm thấy những mảnh lớn của thân máy bay. Trong khi vụ tai nạn của AirAsia, vẫn có những nạn nhân còn nguyên vẹn", Wardoyo cho biết.
SJ182 lao xuống biển từ độ cao hơn 3.000 m trong 14 giây không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta trong một chiều thứ 7 bão tố. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia xác nhận động cơ chiếc Boeing 737-500 đang hoạt động khi máy bay lao xuống biển ở tốc độ cao. Nó cho thấy máy bay vỡ nát sau khi chạm mặt nước. Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn còn là bí ẩn.
Một khả năng mà các nhà điều tra đang xem xét là các phi công mất kiểm soát máy bay do van tiết lưu bị trục trặc, tạo ra lực đẩy nhiều hơn ở một trong các động cơ. Nguồn thạo tin cho biết thiết bị này cũng đã gặp sự cố trong các chuyến bay trước đó.
Khi cuộc tìm kiếm bước vào tuần thứ 2, hy vọng đang tắt dần nhằm xác định vị trí của hộp đen ghi âm buồng lái, một thiết bị quan trọng giúp các nhà điều tra thực sự biết điều gì đã xảy ra trong buồng lái. Các thợ lặn đã tìm được vỏ của cái gọi là hộp đen vào thứ 6 nhưng thiết bị lưu trữ âm thanh buồng lái đã bị hỏng.
Hộp đen lưu trữ dữ liệu chuyến bay đã được khôi phục vào tuần trước và sẽ cung cấp manh mối về việc liệu đây là sự cố kỹ thuật, do lỗi của phi công, do thời tiết hay một nguyên do nào khác. Tuy nhiên, cuộc điều tra khó có thể thành công nếu không tìm được chiếc hộp đen còn lại.
Đèn hiệu định vị của cả 2 chiếc hộp đen đều đã bật ra khi máy bay lao xuống nước, điều cho thấy tác động vào thân phi cơ mạnh khủng khiếp. Trong trường hợp này, chiếc máy bay lao xuống biển chẳng khác gì so với lao xuống bê tông.
"Trong vụ tai nạn của AirAsia năm 2014, thân máy bay vẫn còn nguyên vẹn dù vỡ thành 3 mảnh. Chúng tôi phải đưa các thi thể bên trong máy bay ra ngoài. Vụ tai nạn của Lion Air thì khác, máy bay tan nát nhưng chúng tôi vẫn tìm thấy mảnh lớn của thân máy bay. Vụ của Sriwijaya là khủng khiếp nhất", Wardoyo nhấn mạnh.
Nhà chức trách Indonesia đã kéo dài thời gian tìm kiếm, đồng nghĩa với việc các thợ lặn sẽ phải ở trên tàu lâu hơn. Tuy nhiên, chiến dịch này sẽ kết thúc vào 21/1. "Vì thân máy bay bị phá hủy hoàn toàn trong khi đáy biển có bùn rất dày nên sẽ khó để tìm thấy bất cứ thứ gì sau 7 ngày. Hầu như không thể tìm được bộ nhớ hay các mảnh khác của thiết bị ghi âm buồng lái", Wardoyo nhận định.
Đối với những thợ lặn như Wardoyo, việc tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay có thể mang đến những rủi ro. Ngoài thời tiết xấu từng khiến chiếc tàu của họ bị hư hại, mối nguy từ phía dưới mặt nước là rất nhiều. Wardoyo không sợ bị cá mập tấn công nhưng giảm áp, chết đuối hay thậm chí là đau tim do vận động quá sức khi các thợ lặn cố nâng những mảnh vỡ nặng trong dòng nước chảy mạnh là những nguy hiểm hiện hữu.
Hiện tại, thời tiết xấu và biển động vì gió mùa ở Indonesia đã gây ra rất nhiều nỗ lực tìm kiếm cứu nạn. Dù mưa to, gió lớn không ảnh hưởng tới các thợ lặn sâu dưới mặt nước nhưng chúng làm cho đội vận hành xuồng cao su gặp khó khăn. Nó cũng cản trở việc đưa thợ lặn từ tàu mẹ xuống xuồng nhỏ và ngược lại.
Trong khi đó, đối diện với việc thu thập từng mảnh thi thể các nạn nhân không phải điều dễ chịu. Tuy nhiên, việc các thợ lặn là hy vọng duy nhất của những gia đình mất người thân là điều khiến Wardoyo và các đồng đội nỗ lực tiến lên phía trước. Dẫu vậy, khi đã rất cố gắng, Wardoyo nghĩ rằng Chính phủ nên sử dụng biện pháp khác để trục vớt các mảnh vỡ dưới đáy biển thay vì dựa vào các thợ lặn.