Tiếp tục cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền chiếm đoạt
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân trong vụ nhóm đối tượng do Tiktoker Mr Pips cầm đầu lừa đảo, chiếm đoạt.
Theo đó, NCSC cho biết, những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân trong vụ nhóm đối tượng do Tiktoker Mr Pips cầm đầu lừa đảo, chiếm đoạt.
Lợi dụng tâm lý muốn lấy lại được tiền đã bị lừa đảo của nhiều người, các đối tượng còn còn cam kết nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của nạn nhân. Bài viết cũng được đối tượng cho chạy quảng cáo trên mạng xã hội nhằm thu hút chú ý số lượng lớn dự luận.
Đáng chú ý, các đối tượng còn tạo niềm tin với các nạn nhân trong vụ lừa đảo bằng những bình luận đưa thông tin giả mạo rằng mình là người dùng dịch vụ và đã nhận lại được tiền bị lừa.
Thủ đoạn của chiêu lừa đảo "ăn theo" vụ Tiktoker Mr Pips gồm các bước như: Mạo danh chuyên gia hoặc tổ chức pháp lý, lừa đảo giả danh luật sư, cơ quan điều tra, hoặc tổ chức tài chính để tạo lòng tin; Khai thác tâm lý cấp bách, khai thác tâm lý sợ mất trắng, dùng lời hứa hoàn tiền hoặc đe dọa mất cơ hội nếu không hành động ngay.
Thu thập thông tin cá nhân - đòi mã OTP, tài khoản ngân hàng, giấy tờ cá nhân, hoặc phí ‘xử lý hồ sơ’, từ đó lợi dụng những thông tin này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc bán thông tin trên thị trường "chợ đen"; Sử dụng các kênh thanh toán không chính thức, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua ví điện tử hoặc tiền ảo, gây khó khăn trong quá trình cơ quan chức năng truy vết.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn có thể sử dụng AI và bot tự động để mở rộng phạm vi lừa đảo, hoặc dùng AI để giả giọng nói hoặc danh tính nhằm tăng tính thuyết phục với các nạn nhân.
Trước tình trạng trên, NCSC khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước chiêu lừa mới "hỗ trợ lấy lại tiền" trong vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips vừa qua để tránh việc một lần nữa trở thành nạn nhân. Đồng thời, chú ý đến những dấu hiệu giúp nhận biết và phòng tránh lừa đảo.
Người dân cũng không nên tin vào hình thức "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội; không tin tưởng những dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí.
Cùng với đó, cần lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm. Khi nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân bị lừa đảo, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật.