Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 29/02/2024 10:12 (GMT+7)

Thêm nhiều trường tổ chức thi tuyển lớp 6 tại TP Hồ Chí Minh

Theo dõi GĐ&PL trên

Năm học 2024-2025, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực.

tm-img-alt

Với yêu cầu cao hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng giáo dục nổi trội, các trường chất lượng cao, theo mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế là nơi nhiều phụ huynh mong muốn cho con theo học.

Số lượng trường, chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều, các trường chất lượng cao này đối mặt với nhiều áp lực trong công tác tuyển sinh đầu cấp hằng năm. Để tuyển sinh vào lớp 6, bên cạnh xét kết quả học tập các môn học, các trường tiên tiến thường xét thêm một số tiêu chí khác như chứng chỉ tiếng Anh, Tin học và các thành tích khác của học sinh.

Trước đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ duy nhất Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa được thực hiện bài khảo sát năng lực để tuyển sinh vào lớp 6, các trường còn lại thực hiện xét tuyển và phân tuyến theo địa bàn.

Từ năm học 2023-2024, Thành phố cho phép các trường chất lượng cao theo mô hình tiên tiến được tổ chức khảo sát để tuyển sinh vào lớp 6, nếu có nhu cầu. Theo đó, năm học 2023-2024, thành phố Thủ Đức là địa phương đầu tiên tổ chức khảo sát vào lớp 6 cho Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản 1, chung đề với Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa.

Từ thành công của việc tổ chức khảo sát ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đang xin ý kiến của Sở để mở rộng thực hiện khảo sát vào lớp 6 năm học 2024-2025 ở hai trường nữa, là Trung học Cơ sở Hoa Lư và Trung học Cơ sở Bình Thọ.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, chia sẻ việc xét tuyển các chứng chỉ có thể dẫn đến một số trường học, học sinh dù có khả năng, trình độ để vào nhưng không có chứng chỉ để tham gia xét tuyển. Mặt khác, chứng chỉ cũng chỉ mang tính chất tương đối. Vì thế, thành phố Thủ Đức sẽ giảm xét tuyển, tăng khảo sát với các trường theo mô hình tiên tiến để giảm áp lực trong tuyển sinh.

"Phòng đã sẵn sàng triển khai kế hoạch xây dựng ngân hàng đề khảo sát. Mức độ phân hóa của đề khảo sát vào các trường này sẽ không cao như tuyển sinh vào trường chuyên và tính chất của đề này là khảo sát năng lực chứ không phải thi. Vì thế, phụ huynh không cần thiết phải cho con em luyện thi như quảng cáo ở các trung tâm, tránh gây căng thẳng cho học sinh. Hơn nữa, dù không đạt trong kỳ khảo sát vào trường tiên tiến, các em vẫn có chỗ học trong trường theo phân tuyến tại địa phương," ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên chia sẻ.

Dự kiến, cùng với hai trường ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm hai trường tiên tiến hội nhập Quốc tế ở quận 4 và quận 7 tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6 năm học 2024-2025.

Có con đang học lớp 5, chị Lan Phương, thành phố Thủ Đức, đồng tình với chủ trương mở rộng tổ chức kỳ khảo sát để tuyển sinh vào lớp 6 các trường tiên tiến hội nhập Quốc tế. Việc tổ chức khảo sát năng lực sẽ tạo tính công bằng hơn khi tất cả học sinh đều có thể đăng ký thi, bởi không phải học sinh nào cũng có đủ chứng chỉ để xét tuyển vào trường.

Cho rằng phương thức xét tuyển vẫn đáp ứng yêu cầu tuyển được học sinh phù hợp, các quận, huyện khác dự kiến vẫn duy trì phương thức xét tuyển vào lớp 6 như trước đây. Quận 8 hiện có một trường Trung học Cơ sở thực hiện mô hình tiên tiến là Trường Lý Thánh Tông.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8, cho biết dù hằng năm tỷ lệ cạnh tranh vào trường này khá cao, nhưng năm tới đây, Phòng vẫn dự kiến tham mưu Ủy ban Nhân dân quận tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển vào lớp 6. Bởi, việc xét tuyển hồ sơ dựa vào các tiêu chí về kết quả học tập, chứng chỉ tiếng Anh Flyer như những năm trước vẫn đảm bảo chất lượng. Mặt khác, nếu tổ chức khảo sát đầu vào có thể sẽ tăng áp lực ôn thi cho học sinh.

Cùng quan điểm, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh ở quận 1, cho rằng việc khảo sát bằng hồ sơ và lấy từ trên xuống dưới như từ trước đến nay vẫn đảm bảo yêu cầu. Nếu chỉ để giảm áp lực tuyển sinh do quá đông học sinh muốn vào trường học, việc tổ chức khảo sát đầu vào là chưa cần thiết. Việc tổ chức khảo sát có thể dẫn đến việc học sinh phải học thêm hoặc luyện thi, làm tăng áp lực cho các em.

Cùng chuyên mục

Điểm mới về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới so với hiện nay, đặc biệt là về đề thi.
Thi tốt nghiệp THPT 2025: Phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, với 4 môn thi, gồm 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Việc Bộ Giáo dục và đào tạo công bố Đề thi tham khảo năm nay sớm hơn gần 5 tháng đã giúp nhà trường, giáo viên, học sinh Nghệ An chủ động trong quá trình dạy học và ôn tập.

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.