Thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra sai sót trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022.
Theo đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra phải thực hiện kịp thời nhằm nắm tình hình tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng; đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng Quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh; đồng thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện những nội dung chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách liên quan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi theo thẩm quyền. UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ và các quy định pháp luật, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm tính độc lập, không bỏ sót, không tạo kẽ hở, khoảng trống, không bị động. Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi hạn chế tối đa việc chồng chéo; điều động cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phù hợp, khách quan, hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi, tổ chức các khâu trong kỳ thi của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi. Trưởng đoàn kiểm tra là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét tốt nghiệp Trung học phổ thông tại địa phương.
Đối với công tác chuẩn bị thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở Giáo dục và Đào tạo (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) theo 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí 1 cán bộ làm nhiệm vụ giám sát tại vòng 2 khu vực in sao đề thi; thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các Điểm thi, các trường Trung học phổ thông, trung tâm Giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đặt Điểm thi chính thức, dự phòng trên địa bàn tỉnh và khu vực in sao đề thi.
Đối với công tác coi thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia); kiểm tra trực tiếp các các Hội đồng thi, Ban Coi thi, Điểm thi. Số lượng cán bộ tối thiểu làm nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp trong thời gian coi thi tại 1 điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi bố trí 2 cán bộ; từ 20-34 phòng thi bố trí 3 cán bộ; từ 35 phòng thi trở lên bố trí 4 cán bộ.
Sở Giáo dục và Đào tạo thanh tra việc tổ chức coi thi của Ban Coi thi, các điểm thi. Số lượng cán bộ tối thiểu của một Tổ thanh tra trực tiếp tại một điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: Dưới 15 phòng thi bố trí 2 cán bộ; từ 15-24 phòng thi bố trí 3 cán bộ; từ 25-34 phòng thi bố trí 4 cán bộ; từ 35-44 phòng thi bố trí 5 cán bộ; từ 45 phòng thi trở lên bố trí 6 cán bộ.
Đối với công tác chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đoàn từ 4-5 người do Bộ điều động từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học. Sở Giáo dục và Đào tạo thanh tra công tác tổ chức làm phách bài thi tự luận, chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và ghép phách, nhập điểm bài thi.
Đối với công tác phúc khảo bài thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 đến 15 Sở Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức phúc khảo và thanh tra phúc khảo bài thi của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh, chỉ đạo của lãnh đạo; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh.