Thành phố Mexico City đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng
Thủ đô Mexico City của Mexico đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng do một loạt vấn đề ngày càng phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Thành phố Mexico, đô thị rộng lớn với gần 22 triệu dân - một trong những thành phố lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng do một loạt vấn đề – bao gồm địa lý, phát triển đô thị hỗn loạn, cơ sở hạ tầng xuống cấp – và tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu khi lượng mưa thấp bất thường, thời gian khô hạn kéo dài và nhiệt độ cao.
Trong những ngày gần đây, một bộ phận cư dân của Mexico City đã biểu tình trên khắp đường phố để cảnh báo về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, khi mực nước toàn thành phố đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Những người biểu tình đã gửi thông điệp khẩn cấp đến Ủy ban Nước Quốc gia Mexico. Tại khu đô thị Azcapotzalco thuộc Mexico City, những nhóm người giận dữ đã chặn các tuyến đường quan trọng để thu hút sự chú ý về tình trạng thiếu nước.
Các nhà chức trách đã buộc phải đưa ra những hạn chế đáng kể đối với việc bơm nước từ các hồ chứa. Theo ông Christian Domínguez Sarmiento, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), cho biết: "Một số khu vực lân cận đã bị thiếu nước trong nhiều tuần và vẫn còn 4 tháng nữa mới bắt đầu có mưa".
Theo nghiên cứu gần đây, khoảng 60% lượng nước của Mexico City đến từ tầng ngậm nước ngầm (tầng chứa nước), nhưng nguồn nước này đã bị khai thác quá mức đến mức thành phố đang chìm xuống với tốc độ đáng sợ - khoảng 51 cm một năm. Do đó, nước mưa trôi khỏi tầng nước ngầm dưới lòng đất của thành phố.
Thung lũng Mexico, bao gồm cả Mexico City, được cung cấp khoảng 25% lượng nước từ hệ thống nước Cutzamala, một mạng lưới các hồ chứa, trạm bơm, kênh và đường hầm. Nhưng hạn hán nghiêm trọng đã gây thiệt hại nặng nề, hạ công suất của hệ thống nước xuống 39%, mức thấp lịch sử .
Theo một báo cáo tháng 2, khoảng 60% diện tích Mexico đang trải qua hạn hán vừa phải đến đặc biệt. Gần 90% diện tích Mexico City đang bị hạn hán nghiêm trọng. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa mưa vẫn còn nhiều tháng nữa mới bắt đầu.
Sự biến đổi khí hậu tự nhiên ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống nước của Mexico. 3 năm La Niña gây hạn hán cho khu vực, và sau đó là sự xuất hiện của El Niño vào năm ngoái đã rút ngắn mùa mưa đến mức không đủ bổ sung nước cho các hồ chứa.
Nhà khoa học Sarmiento từ UNAM cho biết: "Biến đổi khí hậu đã khiến hạn hán ngày càng nghiêm trọng do thiếu nước". Thêm vào đó, nhiệt độ cao "đã khiến nước có sẵn trong hệ thống Cutzamala bốc hơi".
Một số chuyên gia đánh giá tình hình hiện đã nghiêm trọng đến mức Mexico City có thể hướng tới "ngày 0" (Day Zero) trong vài tháng tới - ngày các vòi nước sẽ cạn kiệt ở những khu vực rộng lớn của thành phố.
Đầu tháng 2, truyền thông địa phương đưa tin rộng rãi rằng một quan chức cho biết nếu không có mưa đáng kể, "ngày 0" có thể đến sớm nhất vào 26/6.
Chính quyền đã tìm cách đảm bảo với người dân rằng sẽ không xảy ra "ngày 0". Trong cuộc họp báo ngày 14/2, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết đang tiến hành các công việc để giải quyết vấn đề nước.
Nhiều chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nước. Bà Fabiola Sosa-Rodríguez, người đứng đầu bộ phận tăng trưởng kinh tế và môi trường tại Đại học Tự trị Metropolitan ở Mexico City, cho biết thành phố này có thể cạn nước trước khi mùa mưa đến nếu tiếp tục sử dụng nước theo cách tương tự. Bà nói thêm: "Có khả năng chúng ta sẽ phải đối mặt với ngày 0".
Ông Raúl Rodríguez Márquez, chủ tịch Hội đồng tư vấn nước phi lợi nhuận, cho biết ông không tin thành phố sẽ đạt đến ngày 0 trong năm nay, nhưng ông cảnh báo điều đó sẽ xảy ra nếu không thực hiện thay đổi. "Chúng ta đang ở trong tình thế nguy cấp và có thể rơi vào tình thế cực đoan trong vài tháng tới", ông nói.
Theo cô Amanda Martínez, một cư dân ở quận Tlalpan của thành phố, cho biết đối với người dân ở đây, tình trạng thiếu nước không có gì mới. Cô và gia đình thường phải trả hơn 100 USD cho một thùng nước từ những xe chở nước của thành phố, và đôi khi hơn 2 tuần trôi qua mà không có nước.