Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị
Quy hoạch hướng đến năm 2030, TP.HCM sẽ là đô thị có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và kinh tế số, có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Ngày 22/6, tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã thống nhất thông qua hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch TPH.CM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TTXVN đưa tin, theo nội dung Quy hoạch, không gian TP.HCM sẽ được sắp xếp và tổ chức trở thành đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tăng cường kết nối vùng.
Báo cáo tại kỳ họp, đại diện UBND TP cho biết, trên cơ sở các hành lang quốc gia và vùng, UBND TP đề xuất 2 kịch bản phát triển không gian.
Cụ thể, với kịch bản 1, thành phố sẽ hình thành 1 khu vực đô thị trung tâm (gồm 16 quận), 1 TP Thủ Đức là đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ). Với kịch bản 2, thành phố hình thành 1 khu vực đô thị trung tâm (gồm 15 quận), 1 TP Thủ Đức và 2 đô thị song hành gồm Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ.
UBND TP.HCM đề xuất chọn kịch bản 1 vì tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của thời kỳ quy hoạch và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã xây dựng và lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Theo đó, thành phố định hướng chia thành 5 vùng đô thị, 3 khu vực chống ngập, 3 khu vực không gian ngầm.
Theo UBND TP.HCM, với chiến lược phân vùng như trên, kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái sẽ hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt với các phạm vi và nguyên tắc.
TP.HCM dự kiến triển khai thực hiện khoảng 199 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỉ đô la Mỹ.
Trong Quy hoạch từ nay đến năm 2030, Thành phố sẽ vẫn giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện đạt được ít nhất là tiêu chuẩn đô thị loại 3.
Giai đoạn 2030-2040, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; thành phố Thủ Đức; vùng đô thị khu Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh); khu Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, một số vùng có liên quan của Hóc Môn, Bình Chánh; khu Tây Nam gồm một phần huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12 (huyện Cần Giờ có nằm trong khu Nam hay không còn đang được nghiên cứu).
Năm vùng đô thị của Thành phố sau khi được cấu trúc lại sẽ làm thay đổi các đơn vị hành chính và mô hình “thành phố trong thành phố” nếu đến thời điểm đó còn phát huy được thì sẽ áp dụng 3 vùng nói trên giống như Thủ Đức, cộng với đô thị hiện hữu thì Thành phố sẽ có 5 vùng đô thị.
TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình “thành phố trong làng, làng trong thành phố” theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa trong Quy hoạch này.
TP Thủ Đức có dân số hơn 1,4 triệu người vào năm 2030 – là đô thị song hành, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới. 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ có dân số hơn 3,1 triệu người vào năm 2030 - là các đô thị vệ tinh kiểu mới, cửa ngõ của TPHCM. Các đô thị vệ tinh kiểu mới là đô thị trực thuộc nhưng có tính chất độc lập tương đối về cơ sở kinh tế – kỹ thuật, đảm bảo nhiệm vụ với tiềm năng lợi thế trong sự phân công với đô thị trung tâm.
Trong thời kỳ quy hoạch, các quận nội thành là khu vực đô thị trung tâm đạt tiêu chuẩn đô thị đặc biệt, 6 đô thị trực thuộc gồm TP. Thủ Đức là đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, làm cơ sở để nâng cấp lên thành phố.
Sau thời kỳ quy hoạch, các quận nội thành là khu vực đô thị trung tâm đạt tiêu chuẩn đô thị đặc biệt, 4 đô thị trực thuộc gồm: TP.Thủ Đức là đô thị loại I và 3 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II hoặc III.