Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 06/06/2023 12:57 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nguy cơ 'dịch chồng dịch'

Theo dõi GĐ&PL trên

Trước thực trạng số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cũng như sự chung tay của các Sở, Ngành, đoàn thể và người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nguy cơ 'dịch chồng dịch'

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây.

Tuần 19 (từ 8/5 đến 14/5), số ca mắc tay chân miệng chưa tới 100 trường hợp, trong tuần 22 (từ 29/5 đến 4/6), số ca mắc đã tăng lên hơn 250 ca, cao gấp hơn 2 lần so với tuần 19.

Đặc biệt, kết quả giải trình tự gen của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford cho thấy, 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả dương tính với Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gen B5. B5 cũng là kiểu gen của EV71 gây bệnh nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 bệnh viện nhi đồng của Thành phố. Được biết, kiểu gen B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007 và xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, 2018.

Trong khi đó, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khoảng tuần thứ 25 (tức khoảng 2 đến 3 tuần tới) và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.

Trong 2 tuần qua, tuy Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ xuất hiện vài cơn mưa, nhưng qua giám sát tại 30 điểm nguy cơ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thì có đến 20 điểm nguy cơ có loăng quăng (bọ gậy), chiếm hơn 50%.

“Tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn nữa nếu từng địa phương và mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, diệt lăng quăng để kiểm soát dịch khi Thành phố Hồ Chí Minh bước vào mùa mưa”, Báo cáo giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố nêu rõ.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong những tháng sắp tới, Thành phố đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch nếu không khẩn trương thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả 2 bệnh này. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tập huấn lại công tác phòng, chống dịch cho các Trung tâm Y tế, trạm y tế; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến quận, huyện, phường, xã trong các hoạt động chuyên môn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu UBND quận/huyện, phường/xã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch như: Duy trì hoạt động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; tăng cường giám sát hoạt động phòng chống tay chân miệng tại các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch và xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học; đặc biệt là phòng chống bệnh tay chân miệng trong các trường mầm non. Các trường luôn đảm bảo đủ bồn rửa tay và xà phòng cho học sinh, giáo viên, nhân viên và khách sử dụng; tập huấn lại cho giáo viên, bảo mẫu về kỹ năng vệ sinh khử khuẩn bề mặt, vật dụng, đồ chơi; tập huấn cho giáo viên, bảo mẫu những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị mắc tay chân miệng và các biện pháp giám sát bệnh trong trường học cũng như kỹ năng truyền thông cho phụ huynh.

Đối với các Sở, Ngành, Sở Y tế đề nghị cần chủ động triển khai hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong cơ quan, đơn vị và trong phạm vi mình quản lý.

Đối với các đoàn thể, mỗi đoàn viên, hội viên lựa chọn hoạt động phòng chống dịch phù hợp và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể nhằm thay đổi hành vi của đoàn viên, hội viên cũng như tham gia các chiến dịch vận động cộng đồng do chính quyền địa phương phát động.

Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện phòng bệnh cho bản thân và gia đình như rửa tay bằng xà phòng, truy tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh loăng quăng. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần thường xuyên vệ sinh khử khuẩn bề mặt và đồ chơi của trẻ. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh truyền nhiễm cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Cùng chuyên mục

Những lầm tưởng về thực phẩm bổ sung sức khỏe
Thực phẩm bổ sung sức khỏe đã trở thành xu hướng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhưng đi kèm với nó là rất nhiều lầm tưởng nghiêm trọng về tính an toàn và hiệu quả. Vì vậy, bạn cần lưu ý rằng tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào là vô cùng cần thiết.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng chống bệnh sởi
Trước tình hình dịch sởi gia tăng ở nhiều địa phương, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo: Bệnh sởi là bệnh lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Đối tượng dễ mắc bệnh khi giao mùa, cách phòng tránh hiệu quả
Khi giao mùa, thời tiết chuyển đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hay từ ẩm sang khô có thể trở thành tác nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, một số đối tượng nhất định dễ bị ảnh hưởng hơn cả. Vậy ai là đối tượng dễ mắc bệnh khi giao mùa?

Tin mới

Khám chữa bệnh ngày thứ 7, chủ nhật có được BHYT thanh toán không?
Khi khám bệnh vào ngày thứ bảy, chủ nhật đối với các bệnh viện có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ thì người có BHYT vẫn sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT. Đối với các bệnh viện không tổ chức khám chữa bệnh vào thứ bảy, chủ nhật thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh của BHYT trong trường hợp cấp cứu tại khoản 4, Điều 11, Thông tư 40/2015/TT-BYT.