Thái Nguyên: Ngôi nhà cổ 'bay' dưới tay ông 'thần đèn'
Ngôi nhà cổ ở Thái Nguyên vừa được 'thần đèn' Nguyễn Thanh Năm di chuyển nguyên trạng, trong sự hồi hộp và xuýt xoa của chủ nhà và những người chứng kiến.
Ông Nguyễn Thanh Năm được biết đến với biệt danh là “thần đèn” nhờ khả năng di dời, nâng cao, chống lún nghiêng các công trình xây dựng. Vừa qua, vị “thần đèn” đến từ tỉnh Hải Dương đã thực hiện thành công việc di chuyển nguyên trạng ngôi nhà cổ ở phường Quang Vinh, Tp. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).
Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di dời nhà, ông Năm “thần đèn” cho hay, những công trình trước ông nhận di chuyển là những công trình cao tầng, có móng giằng, độ đứng vũng của công trình cao. Đối với căn nhà cổ, sau khi xem xét tỉ mỉ, kỹ lưỡng ông Năm đánh giá đây là công trình khác biệt và phức tạp, bởi lẽ đây là công trình cấp 4, xây bằng gạch lỗ rỗng, nhà lại không có giằng, độ đứng vững của công trình không cao.
Mặt khác, cấu trúc công trình cũng rất khác biệt, về diện tích tổng thể khoảng 100m2, trong đó chiều dài là 14,3m2, chiều rộng khoảng 7,8m2, chiều dài thì dài quá, mà chiều rộng thì rộng quá, rất mỏng manh. Nếu không có phương án, tính toán kỹ lưỡng thì chỉ sai một li sẽ khiến kết cấu ngôi nhà bị hư hại, nguy hiểm cho nhân công tham gia di dời.
“Cái khó nhất khi di chuyển ngôi nhà 100m2 khoảng 30 năm tuổi này là kết cấu tường gạch rỗng, không có trụ và giằng móng, chỉ cần sơ suất rất nhỏ sẽ ngay lập tức gây đứt gẫy, đổ vỡ. Sai một ly là có thể thiệt hại cả tỷ đồng” - ông Năm nhấn mạnh.
Vì nhà không có giằng, cấu trúc đặc biệt, nên để di chuyển được ngôi nhà phải huy động 9 nhân công, trong đó 5 thợ kéo, 3 thợ kỹ thuật, 1 thợ phụ giúp. Tiếp đến, phải tiến hành cắt chân móng và đổ giằng sau đó máy móc được đưa vào để tiến hành di chuyển. Phương án để di dời ngôi nhà được ông và các cộng sự dùng kỹ thuật thủy lực. Các công nhân phải đào sâu nhiều mét, ép các cọc bê tông và đổ sàn bê tông để nối các đầu cọc, sau đó tiến hành nâng cao ngôi nhà, kéo cân bằng lên trên các con lăn để tiến hành di chuyển. Với cách làm này, ngày đầu, căn nhà di chuyển được gần 1m2.
Sau 2 tuần miệt mài, cuối cùng căn nhà cổ đã được ông Năm di dời thành công sang nền đất mới cách vị trí nhà cũ hơn 100m2.
“Mục sở thị” khả năng di dời căn nhà của ông Năm “thần đèn”, bà Đỗ Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Khách sạn Crown bảy tỏ sự thán phục, chia sẻ: “Từ ban thờ cho đến đồ điện, tranh tường, tất cả vẫn được để nguyên vị trí trong quá trình di dời. Tôi rất mừng vì giữ được nguyên trạng ngôi nhà cũ, giữ được một góc cổ kính độc đáo yên bình cho Trung tâm tổ chức sự kiện sắp khai trương của mình”