Thái Bình: Nêu cao vai trò người đứng đầu trong phòng, chống bệnh dại
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại trên người và động vật tại nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Thái Bình đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống loại bệnh này, với tinh thần sẵn sàng, chủ động và không chủ quan, lơ là.
Trong đó, UBND tỉnh nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp lơ là công tác phòng, chống bệnh dại, để xảy ra hiện tượng chó, mèo chưa được tiêm vaccine dại cắn người, người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và bị xử lý theo quy định.
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại, chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người dân, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố bố trí đủ nguồn lực thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo; quản lý đàn chó, mèo nuôi; thực hiện nghiêm việc đăng ký nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông làm ảnh hưởng tới những người xung quanh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chính quyền các cấp tăng cường giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, từ đó sớm có biện pháp phối hợp, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo; thực hiện tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, nhất là chó, mèo cắn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo tại cấp huyện, xã. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị liên quan hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch, các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát dịch bệnh; đồng thời cung ứng đủ vaccine phục vụ công tác tiêm phòng bệnh cho đàn chó, mèo. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế dự trù và đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bệnh...
Năm 2023, tại Thái Bình, số người bị chó mèo nghi mắc bệnh dại cắn phải đi tiêm phòng là 1.146 người; tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn mới chỉ đạt 31,1% tổng đàn.
Hiện tượng chó thả rông còn phổ biến ở hầu hết các địa phương, trong khi các chế tài xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm, nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh nếu không chủ động, kịp thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống ngay từ sớm./.