Tài xế ô tô tải nói gì sau vụ va chạm kinh hoàng với Volvo XC90 trên cầu Phú Mỹ
Sau vụ va chạm, tài xế ô tô tải đã phối hợp cùng cảnh sát điều tra vụ tai nạn liên hoàn 8 xe trên cầu Phú Mỹ chiều cùng ngày.
Chiều ngày 8/8, tài xế Trịnh Tiến Dũng, 35 tuổi, quê ở Kiên Giang vẫn chưa hết bàng hoàng khi phải ngồi tại trụ sở Công an phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức để phối hợp cùng cảnh sát điều tra vụ tai nạn liên hoàn liên quan đến 8 chiếc xe trên cầu Phú Mỹ.
Tai nạn đã khiến anh Dũng trải qua khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong hơn 10 năm làm nghề lái xe.
Theo lời kể của anh Dũng, anh nhận chở thuê thức ăn cho tôm hùm từ Rạch Giá, Kiên Giang đến Cam Ranh, Khánh Hòa.
Đến khoảng 14h30, khi xe tải của anh chạy lên cầu Phú Mỹ để vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, bất ngờ anh nghe thấy tiếng nổ lớn từ hệ thống phanh khi đang đổ dốc cầu.
Tiếng nổ như bể ống hơi của hệ thống phanh thủy lực trợ lực bằng khí nén đã làm ôtô mất kiểm soát và lao nhanh về phía trước.
Trong tình thế nguy cấp, anh Dũng cố gắng lái xe đâm vào dải phân cách giữa cầu để giảm tốc độ nhưng không thành công. Xe tải tiếp tục lao về phía trước và đâm vào hàng loạt ôtô khác trên quãng đường gần 100 m. Chỉ khi va chạm vào hai xe gần chân cầu, xe tải mới dừng lại.
Sau khi xe dừng lại, tài xế Dũng mở cửa và lao xuống cùng một số người đi đường để cứu người đàn ông bị mắc kẹt trong ôtô bị bẹp dúm do bị kẹp giữa xe tải và ôtô 7 chỗ.
Họ đã nhanh chóng dùng bình xịt dập lửa và kéo cắt phần kính chắn gió để đưa nạn nhân ra ngoài trước khi đám cháy thiêu rụi ba ôtô.
Anh Lê Khánh Liêm, 41 tuổi, người được giải cứu sau tai nạn, kể lại rằng khi đổ dốc cầu, ôtô của anh bị tông mạnh từ phía sau và ép tới một đoạn dài 30-40 m.
Khi xe dừng lại, anh bị kẹt trong xe không thể cử động, xung quanh khói lửa nghi ngút. Nhiều người đi đường đã hợp sức để đưa anh ra ngoài an toàn.
Phân tích nguyên nhân tai nạn
Theo ông Trương Hoàng Tuấn, Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm 50-03S, có khả năng xe tải của tài xế Dũng bị mất hơi khí nén dẫn đến không điều khiển được hệ thống phanh khi đổ dốc.
Với loại xe dùng hệ thống phanh dạng này, khi mất khí nén hoặc vỡ ống khí nén, phanh sẽ không hoạt động.
Ông Tuấn giải thích thêm, khí nén của hệ thống phanh có thể bị hư hỏng do yếu tố khách quan của tình trạng xe hoặc do tài xế khi lái xe đổ dốc cầu, đèo rà phanh liên tục.
Khi đăng kiểm, đơn vị thường kiểm tra hệ thống đồng hồ hơi khí nén, đạp nhả phanh liên tục để kiểm tra lượng hơi và rò rỉ khí nén của phanh.
Camera giám sát trên cầu Phú Mỹ ghi lại thời gian xe tải đâm liên hoàn 7 xe khác trong khoảng 20 giây. Tai nạn làm hai ôtô đầu kéo, ba xe 7 chỗ hư hỏng nặng, ba xe từ 4 - 7 chỗ bị cháy rụi.
Ba nạn nhân từ 45 - 50 tuổi bị thương ở đầu, phần mềm vùng ngực và đầu gối đã được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) và FV (quận 7), sau đó đều đã xuất viện.
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP HCM. Công trình này được khởi công từ năm 2005 và hoàn thành sau 4 năm, với tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng.
Do nằm trên tuyến huyết mạch nối quận 7 với TP Thủ Đức và xung quanh nhiều cảng lớn, cầu Phú Mỹ thường xuyên có khá nhiều phương tiện lưu thông. Sau nhiều năm hoạt động, cầu đã trở nên quá tải và khi có sự cố tai nạn, thường dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng.