Số người béo phì tại Australia tăng 60% trong thập kỷ qua
Số các trường hợp được đưa vào diện béo phì tại Australia đã tăng hơn 2 triệu người trong thập kỷ qua. Người béo phì ở Australia là những trường hợp có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.
Báo cáo được The Obesity Collective - một tổ chức phi chính phủ về người béo phì, công bố sáng 4/3 cho thấy trong năm 2022, Australia có 6,3 triệu người sống chung với bệnh béo phì - tăng 61,5% so với mức 3,9 triệu người ghi nhận năm 2012.
Trong số này, số người béo phì cấp độ 3 (mức nguy cơ cao nhất, với chỉ số BMI từ 40 trở lên) đã tăng 48% trong thập kỷ qua (tính đến năm 2022), trong khi tỷ lệ béo phì cấp độ 2 (những người có chỉ số BMI từ 35-40) cũng tăng 23%.
Báo cáo cũng ước tính rằng tình trạng béo phì sẽ khiến nền kinh tế Australia thiệt hại 235 tỷ AUD (khoảng 153 tỷ USD) trong 40 năm tới.
Theo bà Tiffany Petre - Giám đốc The Obesity Collective, béo phì có liên quan đến hơn 30 bệnh lý, trong đó có 17 loại bệnh ung thư. Bà cho biết những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính cần được điều trị trong thời gian dài, do đó việc hỗ trợ mọi người quản lý sức khỏe của mình sớm hơn là điều hợp lý.
Trong bản đệ trình dự thảo ngân sách trình lên chính phủ liên bang, The Obesity Collective đã kêu gọi tăng cường tài trợ cho các sáng kiến nhằm tạo ra môi trường lành mạnh hơn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho những người mắc bệnh béo phì và giải quyết tình trạng kỳ thị về cân nặng.
Năm 2023, Bộ trưởng Y tế Mark Butler đã ủy quyền cho các chuyên gia thuộc trường Đại học Wollongong tiến hành một nghiên cứu về tính khả thi của biện pháp hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em. Tháng 2 vừa qua, Chính phủ Australia cũng đã tiến hành tham vấn cộng đồng về chính sách này.
Cùng ngày 4/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc đảo Thái Bình Dương chiếm 9 trong số 10 nơi có tỷ lệ béo phì cao nhất ở phụ nữ và nam giới trên 20 tuổi.
Theo WHO, trên 1 tỷ người trên thế giới đang sống chung với bệnh béo phì. Đáng chú ý, số trường hợp béo phì ở người trưởng thành đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990 và tăng gấp 4 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 - 19 tuổi. Dữ liệu cũng cho thấy 43% dân số trưởng thành bị thừa cân vào năm 2022.
WHO cảnh báo thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim. Trong đại dịch COVID-19, béo phì cũng là nguyên nhân làm gia tăng số ca tử vong.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì - một căn bệnh mạn tính phức tạp - từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành, thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc đầy đủ.
Việc quay trở lại đúng hướng để đạt được các mục tiêu toàn cầu về hạn chế béo phì đòi hỏi nỗ lực của các chính phủ và cộng đồng, được hỗ trợ bởi các chính sách của WHO và các cơ quan y tế công cộng quốc gia.
Quan trọng không kém là sự hợp tác của khu vực tư nhân, vốn phải chịu trách nhiệm về tác động sức khỏe do sản phẩm của mình gây ra.
Trước đó, tại kỳ họp của Đại hội đồng Y tế thế giới năm 2022, các quốc gia thành viên đã thông qua kế hoạch hành động tăng tốc để ngăn chặn béo phì của WHO. Hiện có 31 chính phủ được đánh giá là đi đầu trong nỗ lực thực hiện kế hoạch này.