Sáng 29/9: 5 ngày liên tục ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 2.000 ca/ngày
Đã 5 ngày liên tục ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 2.000 ca/ ngày; Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều nơi đã ghi nhận biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh.
Bộ Y tế cho biết ngày 28/9 có 1.587 ca mắc COVID-19, trong ngày có hơn 1.000 bệnh nhân khỏi; Bệnh nhân COVID-19 nặng giảm còn 83 ca. Trong ngày không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.476.908 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.983 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là: 10.589.817 ca; trong số hơn 843 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, có 83 bệnh nhân nặng đang thở oxy (giảm 35 trường hợp so với ngày trước đó) gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 70 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca.
Có thể thấy trong vài ngày vừa qua số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ở nước ta giảm so với trước đó (thường trên 2.000 ca/ ngày). Đã 5 ngày liên tục, số ca mắc mới dưới 2.000/ ngày, trong đó riêng ngày 25/9, số mắc mới ghi nhận thấp nhất trong 2 tháng qua, dưới 1.000 ca; số bệnh nhân nặng cũng giảm nhẹ (chỉ trên, dưới 100 ca), trong khi trước đó có những ngày lên đến gần 200 ca, thường xuyên duy trì con số 150 ca.
Theo Bộ Y tế trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine phòng COVID-19 và truyền thông nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.
Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Tiếp tục bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.