Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 11/03/2021 16:07 (GMT+7)

Phá án ma túy, công an phát hiện thêm hành vi chuyển 600 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài

Theo dõi GĐ&PL trên

Trong đợt trấn áp tội phạm ma túy dịp Tết Nguyên Đán, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phá thành công 4 chuyên án lớn. Đáng chú ý, lực lượng công an còn phát hiện thêm hành vi chuyển số tiền hơn 600 tỷ đồng ra nước ngoài bằng công nghệ cao.

Bắt án ma túy, Công an phát hiện thêm hành vi chuyển 600 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài - Ảnh 1.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng C04 tại lễ kỷ niệm sáng 11/3.

Bên lề Lễ kỷ niệm 24 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sáng nay 11/3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng C04 đã chia sẻ với báo chí thông tin liên quan đến vụ án này.

- Thưa Cục trưởng, trong các chuyên án Cục điều tra tội phạm về ma tuý vừa công bố, có 1 chuyên án liên quan đến các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao và liên quan đến số tiền rất lớn. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này cụ thể ra sao?

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thực hiện đợt cao điểm, qua các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã xác định được nhóm đối tượng người Trung Quốc sang Việt Nam để cấu kết với các đối tượng tại Việt Nam dùng thủ đoạn lấy các thông tin cá nhân của chủ thẻ người nước ngoài, dùng các biện pháp, thủ đoạn thông qua công nghệ cao để rút tiền.

Trước mắt chúng tôi thu giữ tại chỗ các bill, hoá đơn gần 8 tỉ đồng. Hiện nay đang bắt giữ được 6 đối tượng và đang mở rộng tìm các nạn nhân bị hại là tên của các chủ thẻ ngân hàng chủ yếu ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Đức….).

Hiện nay, chúng tôi đang xin ý kiến lãnh đạo bộ công an cho phép qua kênh hợp tác quốc tế trao đổi với cảnh sát các nước để phối hợp xác minh làm rõ.

- Số tiền 600 tỷ đồng mà các đối tượng này chuyển ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy không thưa Cục trưởng?

Thực chất số liệu này chúng tôi được ngân hàng cung cấp. Chúng tôi phải chứng minh được việc đó có liên quan đến bao nhiêu là ma tuý, bao nhiêu là chiếm đoạt và sẽ thông tin sau đến cơ quan báo chí.

- Ban đầu có xác định được số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu và số người bị hại?

Chúng tôi vẫn đang trong quá trình điều tra, khai thác trong máy tính của các đối tượng thì những dữ liệu cá nhân toàn tiếng Trung Quốc. Bắt quả tang tại chỗ, chúng tôi thu giữ được số lượng hoá đơn rút ra là 7,4 tỷ đồng. Hiện nay, các bị hại chủ yếu ở 20 nước trong đó có Mỹ và Hàn Quốc, chưa phát hiện thấy người Việt Nam.

- Từ tính chất hoạt động của các đối tượng này đã dự báo cho chúng ta điều gì về tình hình tội phạm ma tuý trong thời điểm dịch bệnh này không?

Qua các vụ án này cho thấy, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng phạm tội ma tuý đang có nhiều hoạt động phức tạp. Qua việc này thì chúng ta phải lường trước được việc ngoài thủ đoạn thông thường thì đây cũng là thủ đoạn mới, lợi dụng công nghệ cao.

Chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục phòng chống rửa tiền xem xét lại những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

-  Đại diện cho lực lượng phòng chống tội phạm về ma tuý, ông có cảnh báo gì về đối tượng tội phạm trước đây thường sử dụng đường bộ, đường biển, đường hàng không bây giờ vươn thêm ra trên không gian mạng?

Thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua cho thấy, đường bộ vẫn là truyền thống, đây là đường vận chuyển tương đối thuận lợi và dễ dàng vì chúng ta có biên giới rất dài. Nhưng bên cạnh đó, tội phạm ma túy vẫn sử dụng thêm đường biển, đường hàng không hoặc chuyển phát nhanh. Vừa qua, C04 đã phối hợp với lực lượng Hải quan khám phá 1 số vụ án vận chuyển từ các nước châu Âu như Séc, Đức...

Có thể nói chúng ta phải quan tâm tới tất cả lĩnh vực, các địa bàn và huy động các cơ quan chức năng thì mặt trận chống tội phạm ma tuý này mới có thể thành công được.

- Ông có thể chia sẻ về những thủ đoạn mới trong vận chuyển ma túy hiện nay?

Chúng ta phải biết, tội phạm luôn thay đổi và tìm phương thức để tránh việc lực lượng chức năng phát hiện. Gần đây nhất vụ tại đường cửa khẩu biên giới Tây Nam, các đối tượng đã dùng logo của Đài truyền hình Việt Nam dán trên phương tiện vận chuyển ma túy. 

Có vụ án, các đối tượng bỏ ma túy vào các tượng gỗ để vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, lực lượng công an Nghệ An và Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ kịp thời.

- Đối với vụ án mà tội phạm giữ người xong mới giao tiền, giao hàng, đây có phải là thủ đoạn mới hay không thưa Cục trưởng?

Đây không phải là thủ đoạn mới, đã từng xảy ra thế. Việc này do đối tượng đến mua ma tuý không đủ tiền, muốn mua số lượng lớn khoảng 100 bánh nhưng chỉ chuyển được 3,5 tỉ đồng. Các đối tượng đầu trên cung cấp ma túy tạm thời giữ người. Khi đối tượng giao dịch có tiền chuyển lại qua tài khoản thì sẽ thả người.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Trong Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 28/02/2021), Cục C04 đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị và Công an các địa phương bắt 29 vụ, 69 đối tượng (có 4 đối tượng truy nã, trong đó có 1 đối tượng truy nã là người nước ngoài). Thu giữ gần 73 kg heroin; 236 kg + 112.600 viên ma túy tổng hợp; 2 khẩu súng, 10 viên đạn; cùng nhiều tài sản, tài liệu liên quan.

Đáng chú ý, ngày 8/1/2021, Cục C04 đã chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Ninh phá thành công đường dây tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản. Vật chứng thu giữ 37 máy POS, mPOS, 04 máy nhập dữ liệu thẻ (làm thẻ giả), 2 máy tính, hơn 1.600 hóa đơn thanh toán (tương đương 7,4 tỷ đồng), 150 bánh nghi là heroin.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đây là tổ chức tội phạm mang tính chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ liên quan đến nhiều tội danh khác nhau như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh; tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu có trình độ, am hiểu công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, phương thức thủ đoạn che giấu rất tinh vi. Chúng lợi dụng không gian ảo trên internet, các trang mạng xã hội để liên lạc, giao dịch nên khó xác định được địa bàn cụ thể, danh tính, địa chỉ thật. Số đối tượng, người bị hại, người liên quan nhiều, trải rộng trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tỉnh thành trên cả nước, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: liên quan đến 15 ngân hàng ở Việt Nam, xuất nhập cảnh, quản lý cư trú.... số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt, khởi tố 6 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Bắt tạm giam Phan Thị Lệ Thủy
Phan Thị Lệ Thủy đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức tổ chức chơi biêu (hụi) online.
Cảnh giác chiêu trò giả mạo bán vé máy bay dịp Tết 2025 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ để lừa khách hàng. Do đó, cơ quan chức năng và các hãng hàng không đã khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.