Pakistan và Ấn Độ lập kế hoạch chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ lốc xoáy
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), bão Biparjoy chuyển thành lốc xoáy và đang tiến vào Biển Arab hướng về phía bờ biển Pakistan và Ấn Độ
Ngày 12/6, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết cơn bão mạnh lên trở thành lốc xoáy, với tên gọi Biparjoy, đang trên đường tới Biển Arab hướng về phía bờ biển Pakistan và Ấn Độ. Cơn lốc xoáy với sức gió tối đa 125-135km/h, gió giật lên đến 150km/h, dự kiến đổ bộ cuối tuần này.
Cục khí tượng Pakistan cảnh báo các vùng ven biển ở phía Nam tỉnh Sindh có thể chứng kiến lượng mưa lên tới 30 cm, cũng như mực nước lên cao tới 3,5m do ảnh hưởng bão, dẫn đến rủi ro ngập lụt ở các khu định cư thuộc vùng trũng thấp. Gió lớn có thể làm sụp đổ những ngôi nhà bằng rơm và bùn truyền thống, vốn là nơi sinh sống của những người nghèo nhất ở Pakistan.
Tỉnh trưởng tỉnh Sindh Murad Ali Shah cho biết chính quyền khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai lực lượng nhằm hỗ trợ công tác sơ tán hơn 80.000 người có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ông nhấn mạnh đây là yêu cầu bắt buộc và đã được thông báo rộng rãi trên mạng xã hội, nhà thờ Hồi giáo và đài phát thanh, nhằm đảm bảo công tác sơ tán diễn ra hiệu quả.
Mùa hè năm ngoái, Pakistan hứng chịu những trận mưa lũ khiến 1/3 diện tích nước này chìm trong nước, làm hư hại 2 triệu ngôi nhà và khiến hơn 1.700 người thiệt mạng. Pakistan là quốc gia đông dân thứ năm trên thế giới với 220 triệu dân, song lượng khí phát thải của nước này chỉ chiếm 0,8% toàn cầu. Tuy nhiên, đây là một trong số các quốc gia dễ tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Cùng ngày, IMD cảnh báo lốc xoáy Biparjoy sẽ đổ bộ vào bang Gujarat phía Tây nước này vào trưa 15/6, tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại nhiều nhà cửa. Các huyện ven biển bang Gujarat dự kiến sẽ đối mặt với lượng mưa lớn.
Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo ngư dân không nên ra khơi vào khoảng thời gian này, đồng thời yêu cầu các thuyền đang ngoài khơi nhanh chóng trở về đất liền. Công tác lắp đặt khu khai thác dầu ngoài khơi cũng sẽ tạm dừng để đảm bảo mọi công nhân làm việc tại đây đều sơ tán đến nơi an toàn.
Chính phủ đã huy động 10 đội thuộc Lực lượng Ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) và 12 Lực lượng Ứng phó thảm họa bang (SDRF) cho công tác phòng ngừa ảnh hưởng thiên tai tại bang Gujarat. Bên cạnh đó, các đội cứu hộ, cứu nạn thuộc lực lượng cảnh sát biển, quân đội và hải quân, cùng các phương tiện tàu và máy bay cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp.
Cơ quan khí tượng Ấn Độ cho biết ảnh hưởng của trận lốc xoáy Biparjoy sẽ khiến trì hoãn cơn gió mùa diễn ra hằng năm tại bang miền Nam Kerala, song điều kiện thời tiết hiện nay khá thuận lợi cho khả năng xảy ra mưa tại một số vùng khô hạn của các bang Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh và Tamil Nadu.
Năm 1998, bang Gujarat đã hứng chịu một trận lốc xoáy nghiêm trọng khiến 4.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.