Núi lửa phun trào lần 4 trên bán đảo Reykjanes, Iceland ban bố tình trạng khẩn cấp
Rạng sáng 17/3 (giờ Việt Nam), một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland; đây là lần thứ 4 núi lửa "thức giấc" trên bán đảo này kể từ tháng 12 năm ngoái.
Trong thông báo, Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) cho biết đã ghi nhận hoạt động địa chấn cường độ mạnh của núi lửa Sylingarfell. Hình ảnh ghi trực tiếp tại hiện trường cho thấy dung nham màu cam trào ra từ một vết nứt dài khoảng 3 km cùng nhiều cột khói bụi phun lên không trung, khiến bầu trời đêm rực sáng.
Không có báo cáo nào về tình trạng gián đoạn chuyến bay vào tối 16/3. Trang web của sân bay Keflavik gần thủ đô Reykjavik cho thấy sân bay này vẫn mở cửa cho cả chuyến bay đi và chuyến bay đến.
Trong và xung quanh thị trấn Grindavik, nơi một số trong số 4.000 cư dân của thị trấn đã trở lại sau những đợt phun trào trước đó, cảnh sát đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trước đó, cũng trên bán đảo Reykjanes đã xảy ra 3 vụ phun trào núi lửa ở gần làng chài Grindavik vào ngày 18/12/2023, ngày 14/1 và 8/2 vừa qua. Nhà chức trách đã ban bố lệnh sơ tán người dân trong khu vực.
Trước khi xảy ra vụ phun trào vào tháng 3/2021, bán đảo Reykjanes đã không trải qua một vụ phun trào nào trong suốt 8 thế kỷ. Các vụ phun trào xảy ra vào tháng 8/2022, tháng 7/2023 và tháng 12/2023 khiến các nhà nghiên cứu núi lửa cho rằng đây có thể là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên hoạt động mới của núi lửa trong khu vực.
Các vụ phun trào núi lửa ở bán đảo Reykjanes được gọi là phun trào khe nứt, thường không gây ra vụ nổ lớn hoặc phát tán tro bụi núi lửa đáng kể vào tầng bình lưu. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại điều này có thể tiếp tục diễn ra trong nhiều thập kỷ và chính quyền địa phương đã bắt đầu xây dựng đê để dẫn dòng dung nham cháy đỏ tránh xa khỏi nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Iceland là "điểm nóng" núi lửa ở Bắc Đại Tây Dương, với hơn 30 núi lửa đang hoạt động. Trung bình 4-5 năm tại Iceland lại xảy ra một vụ phun trào núi lửa.
Đợt phun trào phức tạp nhất gần đây xảy ra hồi năm 2010 khi núi lửa Eyjafjallajokull phun ra những đám tro bụi vào không trung, gây gián đoạn hoạt động hàng không xuyên Đại Tây Dương trong nhiều tháng.