Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 30/09/2021 14:27 (GMT+7)

NÓNG: TP.HCM công bố phương án từng bước nới lỏng giãn cách từ 18h ngày 30/9

Theo dõi GĐ&PL trên

Lúc 9h sáng nay 30/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì buổi họp báo công bố kế hoạch dần 'mở cửa' từ 18h hôm nay.

Buổi họp báo có ông Lê Hải Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP; ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

tm-img-alt
Ảnh: Trang tin Đảng bộ TP.HCM.

TP mở họp báo này nhằm thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM thời gian qua và quan trọng nhất là công bố kế hoạch điều chỉnh giãn cách xã hội từ 18h ngày 30/9.

Nới lỏng từng bước, có lộ trình

Mở đầu họp báo, báo Dân Trí dẫn lời ông Lê Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua công tác phòng chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng nhờ các biện pháp quyết liệt.

Tuy nhiên, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 của thành phố chưa cao nên chính quyền TP.HCM rất cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng khi đưa ra các quyết sách mở cửa.

"Đây là một việc chúng ta phải từng bước đánh giá để điều chỉnh các hoạt động. TPHCM phải gắn với hoạt động của kinh tế vùng và cả nước", nguồn trên dẫn lời ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

NÓNG: TP.HCM công bố phương án từng bước nới lỏng giãn cách từ 18h ngày 30/9 - Ảnh 2.
Hình ảnh từ buổi họp báo sáng 30/9. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Tuổi Trẻ trích lời Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tại họp báo: "Không phải ngay sau 30/9, TP sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Đưa sinh hoạt người dân từng bước về trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đồng loạt ra đường".

Từ 18h ngày 30/9, TPHCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh. Việc nới lỏng sẽ được triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

Bỏ giấy đi đường sau 30/9, 'mở quyền' cho người đã tiêm vắc xin

TP.HCM sẽ yêu cầu mọi hoạt động được phép mở lại cần dựa trên nền tảng sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai.

Tiến tới từ ngày 15/10 trở đi, các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ phải quét mã QR của toàn bộ người đến làm việc, giao dịch.

VnExpress đưa tin từ họp báo cho hay, sau 30/9, thành phố cũng sẽ không cấp giấy đi đường nữa mà áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi địa bàn TP HCM, nếu đi xe cá nhân cũng sẽ không qua được các chốt kiểm soát liên tỉnh.

Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

“Chúng ta mở lại các hoạt động, người dân được lưu thông trong nội thành nếu đảm bảo các điều kiện nhưng chưa được tự ý ra ngoài. Điều này nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 cho chính TPHCM và các tỉnh, thành lân cận”, Dân Trí dẫn lời ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Hoạt động phòng, chống dịch vẫn là then chốt

Trong thời gian tới, hoạt động phòng chống dịch Covid-19 vẫn là trọng tâm hàng đầu của TP. Dự kiến:

Về tiêm chủng: ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất, triển khai tiêm cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vắc xin phù hợp.

Về xét nghiệm: chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Những ai có triệu chứng nghi ngờ sẽ được xét nghiệm, tăng cường giám sát tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người,...

Về điều trị: tiếp tục mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể, nghiên cứu thành lập "Khoa Covid-19" tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Các bệnh viện đảm bảo thực hiện song song 2 nhiệm vụ: vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Có lộ trình cho chạy lại xe khách, xe buýt

Báo Thanh Niên đưa tin từ họp báo cho biết dự kiến lộ trình hoạt động GTVT từ 1/10 của TP như sau:

Đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP.HCM với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống.

Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa phù hợp với cấp độ dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM.

Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.HCM.

Vận tải hành khách liên tỉnh theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh) theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương TP.HCM.

Tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

Các hoạt động tiếp tục dừng

Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

Các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động, trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.

Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động đã nêu trên.

Các hoạt động mở lại từ 1/10

Đơn vị nhà nước được hoạt động trở lại, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định số lượng lao động đảm bảo an toàn phòng chống dịch;

Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế chủ động quyết định phương án làm việc phù hợp với quy định phòng chống dịch;

Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế;

Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao;

Hoạt động giáo dục và đào tạo; tiếp tục dạy học gián tiếp; các hình thức đào tạo cho người đã được tiêm đủ vắc xin có thể dạy học trực tiếp;

Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người;

Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,...) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.

Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.

Xem thêm Infographic chi tiết những hoạt động được "nới lỏng" từ ngày 1/10:

NÓNG: TP.HCM công bố phương án từng bước nới lỏng giãn cách từ 18h ngày 30/9 - Ảnh 8.
Nguồn: Báo Người lao động.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.