Nỗi đau chuyển thành cơn giận dữ, liên tiếp các vụ người nhà nạn nhân Covid-19 hành hung bác sĩ
Bất lực khi các bác sĩ không thể cứu người thân của mình khỏi bàn tay” tử thần” vì Covid-19, nhiều người đã hành hung bác sĩ ngay tại bệnh viện.
Trong đoạn phim được quay lại ở Delhi ngày 27/4 vừa qua, một nhóm đàn ông đã dùng thanh gỗ lớn để tấn công các nhân viên y tế và nhân viên an ninh. Nguyên nhân xuất phát từ việc một người thân của họ, 67 tuổi, đã qua đời tại phòng chờ vì không có giường bệnh cấp cứu ICU.
Vụ tấn công này xảy ra trong khoảng từ 9- 10 giờ sáng tại bệnh viện Apollo. Một số nhân viên y tế đã bị thương trong cuộc ẩu đả nhưng vẫn phải quay lại làm nhiệm vụ vì có rất nhiều bệnh nhân đang cần được chữa trị.
Trong một đoạn phim khác được quay lại ở Pune vào tuần trước, Siddhant Ttla, một bác sĩ 25 tuổi, bị một người đàn ông dùng một cái ống tấn công vì bất lực và tiếc thương trước sự ra đi người thân.
Cơn "sóng thần” lần 2 này dường như đã nhấn chìm Ấn Độ, toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe bị tê liệt. Ấn Độ đã ghi nhận 323.000 trường hợp nhiễm Covid-19 vào hôm 27/4, và tăng thêm 2.700 ca mắc mới trong thời gian ngắn.
Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ, lo ngại sâu sắc trước biến thể “siêu lây nhiễm” của Covid-19.
Chia sẻ với The Telegraph, bác sĩ Muhammad Suhail của bệnh viện Tổ hợp Y tế Hayatabad cho rằng: “Những gì Ấn Độ đang phải gánh chịu là do người dân đã không tuân theo các biện pháp phòng ngừa. Nếu Pakistan không thực hiện nghiêm ngặt các quy định chống dịch thì Pakistan cũng sẽ lâm vào tình trạng như Ấn Độ hiện nay”.
Trên thực tế, Pakistan chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc nào từ siêu biến thể virus của Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhà chức trách nước này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và cũng đã ban hành các quy định nghiêm ngặt từ tuần trước, thậm chí, họ đã triển khai cả lực lượng quân đội để thi hành. Xuất hiện trên báo giới là hình ảnh những người lính mang súng trường cùng với cảnh sát trên đường phố Lahore, cách biên giới chỉ 15 dặm.
Trở lại Ấn Độ, các bác sĩ trong bệnh viện bị coi như “bia đỡ đạn”, số bệnh nhân họ phải điều trị gấp 4, 5 lần bình thường. Nhiều đồng nghiệp của họ đang phải ở tuyến đầu chống dịch, nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.
Bác sĩ Siddharth Tara, một nghiên cứu sinh y khoa sau đại học tại bệnh viện Hindu Rao do chính phủ điều hành ở New Delhi cho biết, anh đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh nhưng vẫn bị yêu cầu tiếp tục làm việc cho tới khi có kết quả xét nghiệm Covid-19.
Tara bức xúc: "Tôi không thể thở. Làm sao người bệnh có thể yên tâm để tôi điều trị cho họ trong khi tôi có nhiều triệu chứng hơn cả họ như thế”.
Những ca bệnh tăng nhanh kỷ lục còn do sự yếu kém của hệ thống y tế và đội ngũ y bác sĩ.
Ở Ấn Độ, có 541 trường cao đẳng y tế với 36.000 sinh viên y khoa sau đại học. Họ là nguồn lực duy nhất chống chọi với bệnh dịch. Nhưng trong hơn 1 năm, họ phải chịu khối lượng công việc khổng lồ, bị nợ lương và phải điều trị bệnh nhân Covid, mặc dù bản thân họ cũng chưa được phòng bị kỹ càng. Tara nói:” Suy cho cùng, chúng tôi chỉ là vật thế thân mà thôi”.
Tại 5 khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xuất hiện nhiều cuộc biểu tình của đội ngũ y bác sĩ, nhưng chính phủ vẫn phớt lờ họ.
Jignesh Gengadiya, một sinh viên y khoa 26 tuổi, phải làm việc 24/7 khi đăng ký cư trú tại Trường Cao đẳng Y tế Chính phủ ở thành phố Surat, bang Gujarat.
Điều anh không ngờ tới là việc anh là bác sĩ điều trị duy nhất cho 60 bệnh nhân trong hoàn cảnh bình thường, và 20 bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt. Thử hỏi nếu các bệnh nhân đều gặp vấn đề thì một sinh viên y khoa 26 tuổi phải xoay sở thế nào?
Tara, nạn nhân của Covid-19 đồng thời cũng là bác sĩ điều trị tại bệnh viện Hindu Rao, cho biết họ đã tăng thêm giường cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng không có thêm bất cứ bác sĩ nào. Điều này, đồng nghĩa với việc, khối lượng công việc bị tăng lên gấp 4 lần.
Bệnh viện đã tăng thêm 200 giường bệnh, hai bác sĩ vốn chỉ chăm sóc 15 bệnh nhân, nay phải xử lý 60 người nữa.
Được biết, gần 75% sinh viên y khoa sau đại học trong khoa phẫu thuật có kết quả dương tính với vi rút trong tháng trước. Điều này có nghĩa là số lượng nhân viên y tế đang giảm sút một cách nghiêm trọng.
Tiến sĩ Rakesh Dogra, chuyên gia cao cấp tại bệnh viện Hindu Rao, cho biết: trọng trách đối phó với Covid-19 đè nặng lên đôi vai của các sinh viên sau đại học vì họ trực tiếp điều trị bệnh nhân, còn các bác sĩ hàm vị cấp cao chỉ giám sát. Tuy bệnh viện này không bổ sung thêm bác sĩ nhưng các bệnh viện thành phố đã cử một số y bác sĩ tới hỗ trợ.
Năm ngoái, đại dịch mới bùng phát, Ấn Độ được cho là đã kiểm soát dịch rất tốt vì đây là quốc gia chỉ dành 1,3% GDP cho việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, gần đây, vì không có các biện pháp nghiêm ngặt, công sức của hàng ngàn các y bác sĩ đã bị "đổ sông đổ biển".
Thảm cảnh mà Ấn Độ đang phải trải qua với xác chết chất đầy, khắp nơi là lò hỏa tiêu không phải là một bộ phim bom tấn hay viễn tưởng, mà là sự thật, là địa ngục trần gian ngay trong thế kỷ 21. Phải bổ sung thêm bao nhiêu giường bệnh, y bác sĩ để cứu Ấn Độ khỏi cơn ác mộng này? Phải đến bao giờ nhân loại mới thôi quằn quại vì Covid-19?