Nhật Bản: Ước tính phải xử lý gần 2,5 triệu tấn rác thải sau động đất
Chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết địa phương này phải xử lý tới 2,44 triệu tấn rác thải từ trận động đất có độ lớn 7,6 xảy ra trên bán đảo Noto vào ngày đầu năm nay.
Ước tính trên dựa theo phương pháp tính của Bộ Môi trường Nhật Bản, theo đó giả định rằng khoảng 22.000 trong số khoảng 50.000 tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong trận động đất trên sẽ bị phá dỡ.
Phát biểu họp báo, Thống đốc Ishikawa Hiroshi Hase cho biết lượng rác thải trên, chủ yếu từ việc phá dỡ các tòa nhà, tương đương lượng rác thông thường tại tỉnh này trong 7 năm. Ông nhấn mạnh việc loại bỏ lượng rác thải này có thể cản trở các nỗ lực tái thiết.
Cũng theo ông Hase, tỉnh Ishikawa có kế hoạch thu gom và lưu trữ tạm thời lượng rác thải trên tại mỗi thành phố, sau đó vận chuyển chúng bằng đường bộ hoặc đường biển đến các cơ sở xử lý trong và ngoài tỉnh nhằm loại bỏ hoàn toàn từ nay đến tháng 3/2026.
Theo ước tính, toàn tỉnh Ishikawa đã tạo ra 806.000 tấn rác thải thiên tai, gấp 2,1 lần lượng rác thải trung bình hàng năm được tạo ra trong tỉnh. Hơn 80% rác thải thiên tai ước tính tập trung ở bốn đô thị của khu vực Okunoto. Tại Suzu, lượng rác thải ước tính lên tới khoảng 282.000 tấn, gấp 64,6 lần lượng rác thải trung bình hàng năm của thành phố.
Trận động đất có độ lớn 7,6 xảy ra ngày 1/1 tại tỉnh Ishikawa của Nhật Bản, cùng hàng trăm dư chấn sau đó đã ảnh hưởng đến bán đảo Noto và các khu vực xung quanh tỉnh này. Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của 232 người và khiến hơn 1.000 người bị thương, trong khi 22 người vẫn còn mất tích.
Tình trạng hóa lỏng cản trở công tác tái thiết sau động đất
Gần 6 tuần sau trận động đất ngày đầu Năm mới 2024 tại miền Trung Nhật Bản, khung cảnh ở thành phố Wajima (tỉnh Ishikawa) - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - vẫn vô cùng ngổn ngang.
Đáng chú ý là tình trạng các hố ga nhô lên khỏi mặt đất, những ngôi nhà bị nghiêng hoặc bị chôn vùi một nửa dưới lòng đất và nhiều đoạn đường bị lõm xuống hoặc nhô lên do hiện tượng hóa lỏng trong lòng đất.
Hiện tượng hóa lỏng, trong đó độ bền của đất bị suy giảm do động đất, đã cản trở các nỗ lực cứu trợ nhằm khôi phục cơ sở hạ tầng ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Giáo sư Fumihiko Imamura làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về khoa học thảm họa (thuộc trường Đại học Tohoku), cho biết hiện tượng hóa lỏng xảy ra khi hơi ẩm trong đất, đặc biệt là ở các khu vực ven biển, do bị rung chuyển nên đã thoát ra khỏi các hạt đất thường dính chặt với nhau. Ông nêu rõ: “Nước nhẹ hơn nên dâng lên. Đó là lý do tại sao mọi người sẽ thấy những hố ga được nâng lên hoặc cát nổi trên đất liền.”
Hiện tượng này xảy ra trên phạm vi rộng lớn dọc các địa phương duyên hải của Nhật Bản, từ thị trấn Uchinada gần thủ phủ Kanazawa của tỉnh Ishikawa đến các thành phố Niigata và Joetsu ở tỉnh Niigata lân cận.
Tại Bán đảo Noto, hiện tượng hóa lỏng đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố như Wajima và Suzu, tỉnh Ishikawa.
Trước đó, trong trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản vào tháng 3/2011, vùng đất khai hoang ở Urayasu, tỉnh Chiba, nơi có Tokyo Disney Resort, cũng bị hóa lỏng. Mặc dù cách tâm chấn khoảng 300km nhưng bùn lầy vẫn sủi bọt từ các vết nứt và đường phố bị biến dạng.
Thống đốc tỉnh Ishikawa - ông Hiroshi Hase - nhận thức rõ tình hình và đã đến thăm Uchinada nhiều lần trong tháng qua để kiểm tra tình trạng ngày càng xấu đi của đất và đường ống ngầm do bị trọng lượng của các tòa nhà và các công trình khác gây áp lực.
Thống đốc đã đề nghị chính quyền trung ương tiến hành một cuộc điều tra về hiện tượng hóa lỏng ở Uchinada vì thị trấn sẽ không thể tự mình xử lý cuộc điều tra cần thiết, có quy mô lớn như thế này.
Ông Hiroyasu Kawashima - người phát ngôn của Bộ Đất đai và Giao thông Nhật Bản - cho biết nắp hố ga và đường ống nước thải ngầm nối với các hố ga cần được sửa chữa riêng. Theo ông, các thành phố sẽ cần loại bỏ các hố ga nhô cao và đặt các tấm sắt lên trên để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thông.
Tuy nhiên, nhiều đường ống trên khắp Nhật Bản chưa được gia cố địa chấn, có thể cản trở việc nâng nắp hố ga. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều khu vực ở Wajima và Suzu.
Theo Bộ Đất đai và Giao thông Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3/2022, trong số 86.594 km đường ống chính cần gia cố địa chấn, chỉ có 47.466 km đường ống (tương đương 55%) được gia cố.
Chuyên gia Imamura nhận định: “Đó là một thảm họa kép. Tình trạng hóa lỏng trùng lặp với các loại thảm họa khác như động đất và sóng thần - có nhiều giai đoạn mà thảm họa này sẽ là nguyên nhân gây ra thảm họa tiếp theo và đây là trường hợp mà chúng ta cần phải có sự đề phòng kỹ lưỡng hơn.”
Theo ông, sẽ mất nhiều thời gian trước khi tình trạng hóa lỏng do trận động đất ở Bán đảo Noto gây ra có thể được giải quyết, vì cần phải gia cố nền đất và xác định mức độ phục hồi cần thiết.