Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 15/08/2024 12:46 (GMT+7)

Nhật Bản chuẩn bị hứng chịu cơn bão mạnh thứ 2 sau bão Maria

Theo dõi GĐ&PL trên

Nhật Bản đang có nguy cơ đối mặt với cơn bão thứ 2 chỉ trong vòng một tuần khi cơn bão Ampil dự kiến đổ bộ vào nước này vào ngày 16/8.

Ngày 14/8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết bão Ampil di chuyển chậm hiện đang ở phía Nam Nhật Bản và sẽ tiến gần vào miền Đông hoặc miền Bắc nước này từ ngày 16/8 đến ngày 17/8 với "cường độ mạnh."

JMA cảnh báo khu vực miền Đông Nhật Bản, trong đó có cả Tokyo, cần "cảnh giác cao độ với bão, sóng lớn, lở đất, ngập lụt ở vùng trũng và nước sông tràn bờ."

Trong khi đó, Đài truyền hình NHK cảnh báo về gió giật có thể làm tốc mái nhà và quật đổ cột điện.

tm-img-alt
Ảnh chụp vệ tinh về cơn bão Ampil chuẩn bị đổ bộ vào Nhật Bản. (Nguồn: japantimes).

Theo cảnh báo được đưa ra vào 17 giờ 5 phút chiều 14/8, bão Ampil có sức gió mạnh cấp 16 và đang di chuyển theo hướng Đông Bắc với vận độ 15km/giờ.

Để bảo đảm an toàn cho hành khách, Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản đã quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động tàu cao tốc Shinkansen giữa Tokyo và Nagoya trong ngày 16/8.

Việc tạm dừng này đúng vào dịp nghỉ lễ Obon, một trong những kỳ nghỉ dài ngày của người dân Nhật Bản trong tháng 8.

Năm nay, kỳ nghỉ lễ được ấn định từ ngày 13-16/8 nhưng do ngày 10-11/8 là cuối tuần nên một số doanh nghiệp hoặc cơ quan cho nghỉ từ ngày 10/8 để tạo điều kiện cho người dân về quê thăm gia đình hoặc đi du lịch.

Trước đó, vào ngày 12/8, bão nhiệt đới Maria đã hoành hành ở miền bắc Nhật Bản, gây ra lượng mưa kỷ lục tại một số khu vực và buộc các hãng hàng không phải hủy bỏ hàng chục chuyến bay.

Nhật Bản sẽ hủy bỏ cảnh báo siêu động đất ở Rãnh Nankai

Ngày 15/8, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ hủy bỏ cảnh báo nguy cơ cao xảy ra một trận siêu động đất lớn dọc theo bờ biển Thái Bình Dương sau khi xác nhận không có hoạt động địa chấn mới nào xung quanh Rãnh Nankai.

Theo hãng tin Kyodo, cảnh báo dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào lúc 17h ngày 15/8 (theo giờ địa phương), trừ khi có diễn biến mới.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết tính đến ngày 14/8, cơ quan này đã không phát hiện thấy bất kỳ hoạt động địa chấn nào cho thấy những thay đổi đáng lo ngại trong khu vực. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi công chúng vẫn cảnh giác và chuẩn bị, vì khả năng xảy ra một trận động đất lớn vẫn chưa được loại trừ.

Nhật Bản từ lâu đã lo ngại về nguy cơ cao xảy ra một trận động đất độ lớn 8 đến 9 dọc theo Rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, với dự đoán rằng một khu vực rộng lớn có thể bị rung chuyển và các vùng ven biển bị sóng thần nhấn chìm.

Nhật Bản đã ban bố cảnh báo siêu động đất chỉ vài giờ sau khi một trận động đất có độ lớn 7,1 làm rung chuyển Tây Nam Nhật Bản vào ngày 8/8, với tâm chấn nằm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki, phía tây Rãnh Nankai. Cảnh báo siêu động đất trên Rãnh Nankai sau khi được ban bố đã thúc đẩy chính phủ trung ương và các cộng đồng địa phương tăng cường các biện pháp sẵn sàng ứng phó thảm họa trong tuần qua, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến một số doanh nghiệp du lịch trong mùa cao điểm.

Theo Văn phòng Nội các, cảnh báo đã được áp dụng cho 707 đô thị thuộc 29 tỉnh nơi dự kiến có rung chuyển mạnh và sóng thần cao trong trường hợp xảy ra động đất lớn. Chính phủ Nhật Bản ước tính rằng, trong trường hợp xấu nhất, một trận siêu động đất ở Rãnh Nankai có thể gây thiệt hại hơn 200 nghìn tỷ yên (1.360 tỷ USD).

Lịch sử cho thấy một trận siêu động đất xung quanh Rãnh Nankai xảy ra khoảng 100 đến 150 năm một lần. Khoảng 80 năm đã trôi qua kể từ lần gần nhất.

Ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất có độ lớn 9,0, gây sóng thần khổng lồ và dẫn đến thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là trận động đất có cường độ mạnh nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản.

Cùng chuyên mục

Bão Toraji gần Biển Đông, giật cấp 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, ngày 10/11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines).

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.