Nguy kịch vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn
Cứ vào mùa cà phê là bệnh viện tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông lại tiếp nhận rất nhiều ca cấp cứu vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn, có những ca nguy hiểm đến tính mạng vì chữa trị bài thuốc dân gian trước đó.
Mỗi khi mùa cà phê tới, người dân Đắk Lắk đều háo hức kiểm tra độ chín của cà phê và nhanh tay thu hoạch những trái chín mọng. Tuy nhiên ẩn sâu sau các tán lá xanh của cây cà phê đó là những tiềm tàn nguy hiểm mang tên rắn lục đuôi đỏ. Người dân rất khó để phát hiện ra chúng bởi màu xanh của lá cây và rắn lục đuôi đỏ hòa lẫn vào nhau, vậy nên chỉ một chút bất cẩn thì có thể nguy hiểm đến tính mạng của người nông dân.
28/11/2023, anh Nguyễn Hồng Sơn (thường trú tại huyện Đắk Mil – Đắk Nông) chia sẻ rằng cũng như bao ngày khác, anh sáng sớm ra vườn cà phê để bắt đầu hái cà phê chín thì bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay, vết cắn rất sâu khiến anh đau và bị ép tim ngay sau đó.
Loài rắn lục đuôi đỏ là loại rắn cực độc, một lượng nọc độc rất nhỏ cũng có thể làm ngưng tim một người lớn. Dấu răng của loài rắn này có đặc tính hai răng, một răng trên và một răng dưới, răng trên to cắn sâu và một răng nhỏ cắn phía dưới, ngay sau khi bị loài rắn này cắn nọc độc nhanh chóng lan nhanh toàn thân và gây sưng phù to ngay khu vực bị cắn. Rắn lục đuôi đỏ có nhiều nọc độc, với hơn 20 thành phần khác nhau, hơn nữa, vết cắn của loài rắn này làm người bị cắn chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, suy tim mạch.
Thương tâm cho những hoàn cảnh gia đình khó khăn
Hàng xóm xung quanh nhà anh Nguyễn Hồng Sơn cho biết hoàn cảnh của anh rất khó khăn vì là trụ cột chính nuôi ba con nhỏ. Qua cuộc trò chuyện cùng chị Linh, vợ anh Sơn chia sẻ rằng trong quá trình anh Sơn điều trị tại bệnh viện, chị tất bật ngược xuôi vừa lo tiền viện phí vừa phải chăm sóc các con nhỏ. Hơn thế nữa là bệnh tình của anh đến nay vẫn chưa có tiến triển tốt đẹp. Chị Linh sụt sùi kể lại do sự thiếu hiểu biết và nghe mọi người xung quanh, thay vì đưa chồng lên bệnh viện nhanh chóng thì chị đã lấy lá đu đủ giã ra và đắp lên vết thương cho chồng.
Các mẹo bài thuốc dân gian như dùng lá đu đủ trị rắn cắn hoàn toàn không có căn cứ khoa học chứng minh hiệu quả, vì vậy mà dù đã chuyển anh Sơn lên bệnh viện tuyến TP.Hồ Chí Minh để được điều trị tốt hơn thì vết thương bị rắn cắn của anh vẫn chưa thuyên giảm do không được đưa lên bệnh viện ngay lập tức.
Nỗi lo cho chồng và con cái đè nặng lên vai chị Linh, vừa thương chồng vừa lo cho các con
Qua vụ việc của gia đình anh Sơn cũng là một lời cảnh tỉnh đối với những người dân ở khu vực Tây Nguyên khi vào mùa cà phê nên cẩn thận hơn trong quá trình thu hoạch. Bởi vì chỉ một sơ ý bất cẩn, bạn đã có thể phải chịu hậu quả to lớn đến sức khỏe và tính mạng.
Các bước sơ cứu và phòng tránh khi bị rắn cắn
- Bước 1: Đầu tiên, cần giữ cho nạn nhân nằm yên bất động bởi vận động lúc này sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Nếu gần vùng bị cắn có đeo đồ trang sức thì nên nhanh tay cởi để tránh bị chèn ép, gây sưng nề.
- Bước 2: Băng ép bất động để làm chậm quá trình tê liệt và ngăn chặn sự lây lan của nọc độc.
Cách băng ép: Dùng gạc hoặc khăn sạch ép lên phía trên vết thương. Để nạn nhân nằm thoải mái, đặt phần bị thương cao hơn để giảm áp lực máu. Sau đó, dùng dây vải băng ép miếng gạc hoặc khăn vào vết thương, buộc một cách chắc chắn nhưng vẫn đủ để máu lưu thông. Nên băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 - 10 cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác.
- Bước 3: Vận chuyển nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Khi vận chuyển cần chú ý, cố gắng giữ cho nạn nhân nằm yên. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở thì có thể thực hiện hô hấp nhân tạo.
Lưu ý: Trong trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, các bạn tuyệt đối không rạch rộng vết thương, không garô bởi điều này sẽ làm máu chảy nhiều, không cầm được, vết thương dễ bị hoại tử.
Phòng tránh rắn lục đuôi đỏ tấn công:
- Dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể trở thành nơi trú ngụ của rắn lục đuôi đỏ.
- Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt, loại bỏ chuột và các côn trùng bởi đây là những con mồi yêu thích của loài rắn lục đuôi đỏ.
- Kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở xung quanh nhà bởi đó cũng chính là nơi mà những con rắn lục đuôi đỏ hay lẩn trốn.
- Mùa cà phê nên cầm cây đi đập xua đuổi rắn trước khi vào hái, hoặc chủ động xịt thuốc xua đuổi một tuần trước ngày hái. lúc hái nên mang bao tay chuyên dụng chống rắn cắn và bôi nhiều dầu sả vào tay, chân, người nhằm xua đuổi rắn trước khi cho tay vào hái.
- Trồng các loại cây như sả, sắn dây, hoa lan tỏi xung quanh nhà, rẫy cà phê… để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần.
Hi vọng rằng những kiến thức và lưu ý nhỏ này phần nào làm giảm đi mối nguy hiểm của mùa rắn lục này đối với người nông dân vùng Tây Nguyên nói riêng cũng như cả nước nói chung.