Người dân kỳ vọng khi giảm giá sách giáo khoa trước năm học mới
Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, vấn đề giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của phụ huynh, học sinh, nhà trường và xã hội bởi giá các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới cao hơn so với giá sách giáo khoa của Chương trình trình giáo dục phổ thông 2006.
Vì vậy, thông báo giảm giá sách giáo khoa năm học 2024 - 2025 của các nhà xuất bản là tín hiệu tích cực nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, góp phần giảm gánh nặng tài chính mỗi dịp năm học mới.
Các nhà xuất bản nỗ lực giảm giá
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội; kiến nghị tại Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15-2023 ngày 18/9/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, năm học 2024 - 2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và các nhà trường.
Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa tái bản lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11; đồng thời, xây dựng giá bán sách giáo khoa các lớp 5, 9 và 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản. Cụ thể, giá bìa mới của bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; giá bìa bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%.
Bảng giá mới được niêm yết đầy đủ, công khai ở các điểm bán sách giáo khoa trên toàn quốc và trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Với những bản sách giáo khoa đang lưu kho, đã in giá cũ khác với giá mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện dán tem giá mới trên bìa 4 của sách để học sinh, giáo viên dễ dàng nhận biết, không bị nhầm lẫn.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết: Trong những chi phí mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát tiết giảm để giảm giá có 2 khoản mục quan trọng nhất, gồm chi phí tổ chức bản thảo và chi phí khâu lưu thông.
Về chi phí tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế. Sản lượng này lớn hơn so với sản lượng dự kiến, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống. Về chi phí khâu lưu thông, việc tiết giảm chi phí phát hành và bán hàng đã giúp giảm được 2,5% giá bìa.
Bên cạnh các bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng được công bố giảm 20% giá bìa đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo khi mua sách để trang bị cho thư viện trường học. Mức giá trên cũng được áp dụng đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung. Bên cạnh đó, Công ty có chính sách giảm giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi mua tại trường (mua cả bộ hoặc mua lẻ). Danh sách học sinh đăng ký mua được hiệu trưởng xác nhận và sách được gửi đến tận trường.
Cùng với điều chỉnh giá bìa, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng công bố hệ sinh thái sách “Cánh Diều” bao gồm sách điện tử, học liệu điện tử đăng tải trên trang web. Hệ sinh thái được sử dụng miễn phí, được phát triển nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh truy cập. Cụ thể, trang web đăng tải hơn 400 đầu sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập; hơn 2 nghìn kế hoạch bài dạy để giáo viên tham khảo; ngân hàng câu hỏi với hơn 4 nghìn câu hỏi thiết kế theo chương trình học…
Ngoài ra, đơn vị phát hành sách cũng số hóa hàng chục nghìn hình ảnh, hơn 4 nghìn tài liệu âm thanh và hơn 1 nghìn video minh họa cho các bài học của mình. Hệ sinh thái của bộ sách cũng thiết lập nhiều loại hình tương tác như: Kéo thả, nối, điền từ, tô màu, ô chữ, trắc nghiệm… để giáo viên và học sinh có thể trực tiếp làm bài tập trên sách điện tử.
Trước thềm năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản -Thiết bị Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức các đợt trao tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và thư viện một số trường học trên cả nước.
Giảm gánh nặng, đảm bảo an sinh xã hội
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Giá sửa đổi, trong đó xác định sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá, có hiệu lực từ 1/7 tới. Theo quy định của Luật Giá, sách giáo khoa do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá tối đa, các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể trong trần chung.
Đây là chủ trương được nhiều ý kiến ủng hộ bởi điều chỉnh, điều tiết giá sách giáo khoa sẽ có tác động trên diện rộng. Việc thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa dù không nhiều nhưng hiện nay, với hơn 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước thì tổng kinh phí toàn xã hội bỏ ra sẽ là con số rất lớn.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Phương pháp định giá sách giáo khoa cần dựa trên 3 nguyên tắc phổ biến là tính đúng, tính đủ và bảo đảm hài hòa lợi ích của người học, ngành giáo dục và nhà sản xuất. Việc định giá sách giáo khoa cần dựa vào ba căn cứ: Các yếu tố cấu thành giá sản phẩm; quan hệ cung - cầu; giá của các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Ngoài ra, tránh tình trạng một số khâu không kiểm soát tốt khiến giá đội lên…
Song cũng cần đưa ra một mức giá phù hợp để doanh nghiệp cung cấp được những sản phẩm chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương đa dạng hóa một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa.
Các nhà trường, giáo viên, phụ huynh cũng bày tỏ vui mừng với việc giá sách giáo khoa giảm. Bởi đây là yếu tố quan trọng để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn các bộ sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường, nhất là những địa phương vùng khó khăn.
Thầy Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Mồ Dề (huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) chia sẻ: Đối với học sinh và giáo viên vùng cao, sách giáo khoa rất quý. Khi biết tin sách giáo khoa được điều chỉnh giảm giá trong năm học tới, tôi và giáo viên nhà trường đều vui mừng. Mong rằng nhà trường sẽ có đầy đủ sách giáo khoa trang bị cho thư viện”.
Về phía phụ huynh, là người mẹ có ba con đều đang học phổ thông theo chương trình mới (lớp 11, lớp 5 và lớp 1), chị Hoàng Chi Mai (Thanh Xuân - Hà Nội) tâm sự: Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, tôi lại phải lo nhiều khoản tiền từ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đồng phục, bảo hiểm, các loại quỹ… Việc giá sách giáo khoa mới những năm gần đây cao hơn cũng làm gia tăng gánh nặng cho gia đình. Vì vậy, khi biết tin các nhà xuất bản giảm giá bán sách giáo khoa, tôi rất vui, dù ít hay nhiều thì giảm chi được khoản nào cũng đỡ được khoản đó.