Ngôi nhà đầu tiên trên thế giới được xây từ bê tông trộn tã giấy
Tã giấy đã qua sử dụng có thể được sử dụng để thay thế từ 9 đến 40% lượng cát trong sản xuất bê tông mà không làm giảm độ bền của sản phẩm.
Dân số ở Indonesia nói riêng và các quốc gia có thu nhập thấp/trung bình nói chung được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Cùng với tỷ lệ sinh tăng là lượng rác thải từ tã giấy và nhu cầu về nhà ở giá rẻ tăng. Tã dùng một lần là nguồn chất thải không thể tái chế, trong khi sản xuất xi măng tạo ra gần 7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu và tiêu thụ đến 50 tỷ tấn cát mỗi năm. Tã dùng một lần thường được làm từ bột gỗ, bông và polyme siêu thấm, một lượng nhỏ trong số đó đã được chứng minh có khả năng cải thiện tính chất cơ học của bê tông.
TS Siswanti Zuraida - Đại học Kitakyushu và các đồng nghiệp đã xác định được lượng cát có thể thay bằng tã giấy để tạo ra bê tông và vữa. Dự án được tài trợ bởi một doanh nghiệp quản lý chất thải ở Indonesia.
Bước đầu, các nhà nghiên cứu tìm nguồn cung cấp tã tại địa phương. Sau khi tã được giặt sạch, sấy khô và cắt nhỏ, chúng được được kết hợp với xi măng, cát, sỏi và nước. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các hỗn hợp khác nhau, kết quả cho thấy, khả năng thay thế của tã lên tới 40% lượng cát trong bê tông. Tuy nhiên, càng nhiều rác thải (tã) trong bê tông, cường độ nén càng thấp. Do đó, các bộ phận kết cấu như cột và dầm thì cần một tỷ lệ tã giấy nhỏ hơn so với các bộ phận kiến trúc khác, như tường.
Đối với ngôi nhà một tầng, các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, 27% cát có thể được thay thế bằng chất thải là tã. Nhưng nếu ngôi nhà cao 3 tầng, tỷ lệ tã sẽ cần được giảm xuống 10%. Trong các thành phần kiến trúc, có tới 40% lượng cát có thể được thay thế bằng rác thải tã (với tỷ lệ cao nhất) đối với các tấm tường bê tông. Trong lát sàn và lát sân vườn, những nơi cần phải chắc chắn hơn tường, chỉ 9% cát có thể được thay thế bằng tã.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã sử dụng bê tông từ tã để xây dựng ngôi nhà thử nghiệm theo tiêu chuẩn xây dựng của Indonesia. Ngôi nhà nhỏ, sơ đồ mặt bằng tổng cộng chỉ 36 m2. Để tăng tốc quá trình xây dựng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bê tông thô cho các thành phần kiến trúc và dầm kim loại cho các thành phần kết cấu. Tổng cộng, ngôi nhà đã sử dụng khoảng 1,7 m3 chất thải tã, chiếm khoảng 8% tổng khối lượng bê tông của ngôi nhà.
Kết quả nghiên cứu là một bước tiến quan trọng trong lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng nhà ở giá cả phải chăng cho người dân có thu nhập thấp/trung bình, góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.