Nghi án Công ty An Sinh đổ trộm chất thải ra môi trường (Bài 2)
Ngoài việc quan tâm đến kết quả điều tra nghi án Công ty An Sinh đổ trộm chất thải trên địa bàn tỉnh Thái Bình, thì dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc ai
Được biết, vị trí nghi là do Công ty Cổ phần công nghệ môi trường An Sinh (địa chỉ tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương – sau đây viết tắt là Công ty An Sinh) đổ trộm hàng trăm tấn chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, là một bãi tập kết VLXD, tại khu vực bãi bồi đê tả Hồng Hà II, thuộc thôn Thái Hạc, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Theo thông tin, tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thu thập được cho thấy, bãi tập kết VLXD trên là của hộ bà Bùi Thị Xoa. Quá trình hoạt động đã có nhiều vi phạm và đã bị cơ quan chức năng liên quan của huyện Vũ Thư nhiều lần kiểm tra, lập biên bản.
Cụ thể, ngày 31/3/2020, đại diện UBND huyện Vũ Thư đã tiến hành lập biên bản làm việc ông Phạm Văn Sự (chồng bà Xoa) về hành vi đổ vật liệu, chất thải lên mái đê tại khu vực đê tả Hồng Hà II (Km181+600 – Km 181+ 700).
Trước đó, ngày 25/12/2017, chính quyền xã Việt Thuận cũng đã lập biên bản đình chỉ việc tập kết chất thải tại khu vực mái đê (Km181+50) đối với doanh nghiệp Đạt Được do ông Phạm Văn Đạt (con trai bà Xoa) làm chủ. Theo nội dung biên bản, ông Đạt đã vận chuyển nhiều m3 chất thải, cát, đá, gạch đổ vào mái đê, chân đê.
Chứng kiến sự việc trên, người dân địa phương đã phản đối quyết liệt và yêu cầu ông Đạt phải dừng đổ thải, đồng thời hoàn trả lại mặt bằng vì hoạt động này ảnh hưởng rất lớn đến công trình đê điều, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông Đạt không những không chấp hành mà còn tiếp tục dùng máy múc, máy gạt, ô tô chở chất thải về trước sự bất lực của chính quyền địa phương và thể hiện sự coi thường pháp luật.
Theo phản ánh, thì đây không phải là lần đầu, mà tình trạng này đã tái diễn nhiều lần và thường xuyên được người dân kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Cũng liên quan đến sai phạm tại bãi tập kết VLXD trên, ngày 26/7/2021, Hạt quản lý đê điều huyện Vũ Thư đã lập biên bản vi phạm hành chính đối bà Bùi Thị Xoa do có hành vi đổ vật liệu phế thải xây dựng, gạch vỡ, đất, xỉ vôi, xỉ than công nghiệp lên hành lang đê và đỉnh kè, tại Km 181+600 đê tả Hồng Hà II. Quy định tại Điều 20 của Nghị định 104/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn xã Việt Thuận không có vị trí nào cho phép đổ thải, và hoạt động của các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tại đây cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.Như vậy bãi tập kết VLXD của bà Bùi Thị Xoa đang hoạt động trái phép, và việc ngang nhiên cho đổ chất thải tại khu vực này là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về đất đai, môi trường và vi phạm quy định về phòng chống thiên tai; đề điều…
Càng nguy hiểm hơn khi hộ bà Bùi Thị Xoa đã có dấu hiệu cấu kết với một doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải, để sử dụng bãi tập kết VLXD trái phép trên làm nơi đổ trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường để trục lợi. Đây là hành vi tiếp tay trắng trợn cho doanh nghiệp huỷ hoại môi trường, việc này cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Vậy cơ quan chức năng huyện Vũ Thư và chính quyền xã Việt Thuận sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước tại địa phương như thế nào, cũng là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Trên thực tế, mặc dù cơ quan chức năng liên quan từ xã đến huyện Vũ Thu đều đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với chủ bãi tập kết VLXD của bà Bùi Thị Xoa, nhưng PV tuyệt nhiên không tìm thấy bất cứ quyết định xử phạt nào đối với cơ sở này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ quan chức năng lập biên bản chỉ để cho có, và chính sự ưu ái quá mức này là nguyên nhân dẫn đến việc hộ bà Bùi Thị Xoa “nhờn luật”.Và, hậu quả của sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm đối với hộ bà Bùi Thị Xoa, cùng với đó là những dấu hiệu trong việc buông lỏng quản lý đất đai, môi trường của chính quyền địa phương, đã “tiếp tay” cho những vụ đổ trộm hàng trăm tấn thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây chấn động dư luận tại tỉnh Thái Bình trong những ngày qua. Đến đây dư luận xã hội có quyền yêu cầu, kiến nghị đến lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cần vào cuộc chỉ đạo kịp thời các Sở, ngành liên quan của tỉnh khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ sự việc. Đồng thời quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan hoặc cố tình tiếp tay cho sai phạm (nếu có).
Trước hành vi ngang nhiên mang chất thải nguy hại chưa qua xử lý từ địa phương khác về đổ trộm trên địa bàn tỉnh Thái Bình của doanh nghiệp, đã huỷ hoại môi trường sống của người dân địa phương. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Công an tỉnh Thái Bình cần xác định đây là hành vi cố tình vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm của đơn vị đổ trộm chất thải, để tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Như đã thông tin, Công ty TNHH Nittoku Việt Nam, tại Cụm công nghiệp Thi Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã ký Hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp với Công ty An Sinh. Thời gian gần đây, qua theo dõi quá trình vận chuyển chất thải đi xử lý của Công ty An Sinh, phóng viên đã xác định một chiếc xe tải mang BKS: 17C-112.00 (loại HOWO 4 chân, trong lượng thân xe 17 tấn, khối lượng chuyên chở 12,84 tấn) chở chất thải từ Công ty TNHH Nittoku Việt Nam về đổ trộm tại thôn Thái Hạc, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư. Theo đại diện Công ty TNHH Nittoku Việt Nam, thì chiếc xe tải mang BKS 17C – 112.00 được đăng ký ra vào công ty để vận chuyển chất thải đưa về nhà máy tại Hải Dương để xử lý theo hợp đồng. Tuy nhiên, thông tin việc Công ty An Sinh tự ý đưa chất thải chưa qua xử lý mà đổ thẳng ra môi trường thì đơn vị chưa nắm được. Được biết, hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình đang đồng loạt vào cuộc xác minh, làm rõ nghi án Công ty An Sinh có hành vi đổ trộm hàng trăm tấn chất thải ra môi trường hay không.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.