Nâng cao nhận thức nuôi con bằng sữa mẹ, giúp trẻ phát triển toàn diện
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đồng thời bảo vệ trẻ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng. Sữa mẹ có đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo và các vitamin, khoáng chất, với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ, phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ, phòng được suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ béo phì ở trẻ…
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chỉ đạt gần 20%. Đến năm 2020, tỷ lệ này có sự cải thiện đáng kể, khoảng hơn 45%. Trong đó, ở khu vực thành thị, số trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là gần 56%, ở nông thôn là 40%, nông thôn miền núi là gần 43%.
Giúp các bà mẹ an tâm nuôi con bằng sữa mẹ
Thái Bình là tỉnh đồng bằng với tập quán chăm sóc gia đình, trẻ em theo cách truyền thống. Việc hiểu và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ được các bà mẹ thực hiện thường xuyên mỗi khi gia đình có thêm thành viên mới.
Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, Khoa Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình thường xuyên phối hợp với các Trạm Y tế xã, phường tổ chức các buổi chia sẻ, tư vấn cho các bà mẹ đang cho con bú.
Đến nghe buổi hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ do Trạm Y tế xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy phối hợp với Khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình tổ chức, chị Nguyễn Thị Dinh ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy có 3 con, hai cháu đã lớn và vừa sinh cháu thứ 3 được 16 tháng tuổi chia sẻ: Dù đã có kinh nghiệm nuôi 2 con nhưng chị vẫn thấy có những kiến thức hết sức mới mẻ lần được được nghe. "Nhiều cái thực sự chưa biết. Ví dụ, nếu như cho con bú không đúng tư thế, không khí sẽ lọt vào cùng sữa mẹ khiến con bị đầy bụng dẫn đến đi tiêu có bọt. Có lần bé nhà tôi bị như thế khiến tôi tưởng con bị đi ngoài do mẹ ăn uống linh tinh... Nếu có nhiều buổi hướng dẫn thế này sẽ giúp tôi, cũng như nhiều bà mẹ khác có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc con" - chị Nguyễn Thị Dinh chia sẻ.
Không chỉ có lợi cho trẻ và bà mẹ, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí y tế, thuốc men cho trẻ khi mắc các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp do không được bú mẹ. Sữa mẹ là một nguồn thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu các chất thải có hại.
Bác sỹ Lại Văn Hạ, Trưởng Khoa Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, hiện nay, các bà mẹ có thể tham khảo các thông tin về nuôi con trên mạng internet. Đa số các bà mẹ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông trực tiếp về nuôi dưỡng trẻ nhỏ vẫn rất cần thiết được duy trì bởi hình thức này có sự tương tác, giúp bà mẹ trao đổi với các bác sỹ và được giải đáp ngay những băn khoăn, thắc mắc. Nhiều khi bà mẹ vẫn lúng túng, không biết một ngày cho con bú bao nhiêu là đủ, làm thế nào để nhận biết bé đã no hay chưa... Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc xuất phát từ thực tế chăm sóc con nhỏ của các bà mẹ đã được giải đáp cặn kẽ trong buổi tập huấn.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ các bà mẹ mới sinh
Ngoài việc tổ chức các buổi truyền thông tại Trạm Y tế xã, với các bà mẹ vừa mới sinh con, cán bộ trạm y tế xã Thụy Trường còn đến tận nhà để hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hiên, Trạm Y tế xã Thụy Trường cho biết, mỗi khi trên địa bàn xã có bà mẹ mới sinh thông báo với trạm y tế, chị sẽ đến tận nhà để theo dõi, tư vấn hậu sản cho các mẹ về chăm sóc rốn cho em bé, cũng như cách nuôi con bằng sữa mẹ. Nhiều bà mẹ lo lắng việc nuôi con bằng sữa mẹ không đủ chất, con chậm tăng cân hoặc do công việc bận rộn nên phải cho trẻ ăn thêm sữa ngoài. Nhiều bà mẹ chưa thực hiện đúng tư thế cho con bú, chưa biết cách ăn uống để có đủ sữa... Do đó, việc tư vấn trực tiếp tại gia đình được Trạm Y tế thường xuyên quan tâm triển khai, giúp các bà mẹ an tâm cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ đến khi trẻ được 18-24 tháng tuổi.
Sinh con lần đầu, bà mẹ trẻ Ngọc Huyền gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc em bé, nhất là việc cho con bú. Nhờ có nhân viên trạm y tế xã đến tận nhà hỗ trợ, việc cho con bú đã suôn sẻ hơn. Em bé được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ nên tăng cân tốt, chị Huyền có nhiều thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau sinh.
Theo y sỹ Vũ Văn An, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy Trường, hiện nay, đa số bà mẹ trên địa bàn đều cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, sau 6 tháng nghỉ thai sản, vì nhiều lý do, các bà mẹ rất khó duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ. Y sỹ Vũ Văn An mong muốn có thể tổ chức nhiều hơn những buổi truyền thông trực tiếp để nâng cao nhận thức của các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ nói riêng, chăm sóc trẻ nhỏ nói chung.
Thái Bình hiện có khoảng hơn 1.000 nhà máy, xí nghiệp, thu hút lượng lớn người lao động trẻ, trong đó có nhiều phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tham mưu, đề nghị các ban ngành, đoàn thể khuyến khích các nhà máy, xí nghiệp thành lập phòng lưu trữ sữa cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Cùng với việc triển khai tư vấn tại các cơ sở trạm y tế xã, phường, đến từng hộ gia đình có bà mẹ, đây sẽ là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các bà mẹ duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ, nâng cao tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa tự nhiên.