Mẹ bầu bị sốt xuất huyết có phải đình chỉ thai kỳ?
Khi bị sốt xuất huyết, hầu hết các mẹ bầu đều rất hoang mang lo lắng không biết làm cách nào để bảo vệ thai nhi khỏe mạnh.
Khi bị sốt xuất huyết, hầu hết các mẹ bầu đều rất hoang mang lo lắng không biết làm cách nào để bảo vệ thai nhi khỏe mạnh.
Khi mẹ bầu không may bị sốt xuất huyết, Ths. Bs Trịnh Văn Du tốt nghiệp thạc sĩ sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội; Hiện bác sĩ Trịnh Văn Du đang làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) khuyên các chị em phải biết những điều sau để bảo vệ con yêu trong bụng khỏe mạnh. Cụ thể:
Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm với mẹ bầu
Bệnh sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt Dengue là bệnh do siêu vi Dengue gây ra, lây truyền bởi muỗi vằn Aedes. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, có thể mắc nhiều lần trong đời do bệnh có nhiều type.
Bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục, xuất huyết dưới da toàn thân và có thể có biến chứng, nặng nhất là trụy tim mạch gây tử vong.
Thai phụ nếu mắc bệnh này sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con, nhất là trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Vì thế, nếu xác định bị sốt xuất huyết, thai phụ nên đi khám ở các bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và xử lý nhanh chóng.
Bà bầu bị sốt xuất huyết cần chú ý hơn khi đang ở 3 tháng cuối thai kỳ
Bà bầu bị sốt xuất huyết cần chú ý hơn khi đang ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu có hiện tượng chuyển dạ trong giai đoạn tiểu cầu máu hạ có thể dễ gặp hiện tượng băng huyết. Vì vậy, nếu thai phụ bị sốt xuất huyết có dấu hiệu chuyển dạ phải nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Bệnh này cũng dễ bị chẩn đoán nhầm với tình trạng nhiễm siêu vi thông thường, nhất là ở thai phụ đã có sẵn tình trạng pha loãng máu sinh lý nên rất khó phát hiện thông qua xét nghiệm tình trạng đông máu.
Biến chứng của sốt xuất huyết tùy thuộc vào sức đề kháng của mẹ bầu
Khi mắc sốt xuất huyết, tùy từng giai đoạn bác sĩ sẽ có những tác động khác nhau đối với bà bầu. Trong đó, giai đoạn mới mang thai và cuối thai kỳ, thai phụ sẽ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn giai đoạn giữa.
Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của bệnh còn phụ thuộc vào sức đề kháng của từng bà bầu, từng tình trạng mất nước và nhiều yếu tố khác.
Sốt xuất huyết ở mẹ bầu không gây dị tật thai nhi, không phải bỏ thai
Khi phát hiện bị nhiễm sốt xuất huyết, bà bầu không nên quá lo lắng. Cần giữ bình tĩnh và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết.
Một điều cần chú ý nữa là sốt xuất huyết không gây dị tật thai nhi nên thai phụ không nên quá lo lắng về việc này. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần chú ý, nếu trong khu vực đó đang lưu hành dịch bệnh Zika, bà bầu nên đi xét nghiệm xem có bị nhiễm virus Zika hay không hoặc bị các bệnh lý khác như cúm… vì bệnh lý này mới gây dị tật thai nhi.
Thai phụ bị sốt xuất huyết không tự ý mua thuốc uống
Những bệnh nhân mang thai khi mắc sốt xuất huyết cần phải theo dõi chặt chẽ để hạn chế biến chứng. Vì vậy, các bà bầu cần đi khám sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh.
Đối với bà bầu mắc sốt xuất huyết ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, uống bù nước, tăng cường nước ép trái cây. Nếu chưa sốt quá 38 độ C, chỉ cần chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt.
Đặc biệt, thai phụ không tự ý mua thuốc để uống, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết phải nhập viện ngay
Nếu bị sốt xuất huyết và có các dấu hiệu sau thì mẹ bầu nên nhập viện ngay để bảo vệ con yêu trong bụng khỏe mạnh như:
- Chảy máu âm đạo.
- Đau bụng từng cơn.
- Tiểu cầu dưới 100 (đối với người không mang thai là dưới 50).
- Chảy máu chân răng.
- Li bì.
- Bụng chướng, chân tay lạnh kéo dài (dấu hiệu mất điện giải).