Liên tục ghi nhận trường hợp mắc mới Adeno, ca nguy kịch gia tăng
Tuần từ 12-18/9 tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 168 ca, nhưng từ 26/9-2/10 thêm gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, bệnh viện ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno, chủ yếu trẻ từ 1-3 tuổi.
Theo Phó giáo sư Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, trong đó có 9 ca tử vong (tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày).
Đáng lưu ý, số bệnh nhân mắc Adeno không chỉ gia tăng so với các năm trước, kèm theo đó là tỷ lệ nhập viện cao, chiếm trên 50% số ca được phát hiện.
Ca bệnh tăng nhanh theo từng tuần
Tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Adeno diễn ra chiều ngày 3/10, Phó giáo sư Trần Minh Điển nhấn mạnh ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay.
Cụ thể, tuần từ 12-18/9 tại Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ghi nhận 168 ca, nhưng trong tuần từ 26/9-2/10 ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, bệnh viện ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno, bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi. Đáng lưu ý, số ca mắc mới, ca trong tình trạng nặng chưa dừng lại.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh nhân mắc Adeno có địa chỉ tại Hà Nội là 2.344 ca, chiếm tới 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận mỗi nơi hơn 100 ca.
Đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị, trong đó có hơn 40 ca trong tình trạng nặng, nguy kịch (6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO - tim phổi ngoài lồng ngực; 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy).
Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), từ ngày 24-30/9 đã ghi nhận 13 ca bệnh mắc Adeno. Trong 9 ca đang điều trị, có 2 ca thở máy hỗ trợ. Trung tâm cũng đã thiết lập và sẵn sàng buồng điều trị riêng cho bệnh nhân nhiễm virus này, tránh lây lan trong điều trị.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đến nay ghi nhận 84 ca mắc Adeno, trong đó tuần qua có 57 ca điều trị nội trú, với 5 ca nặng, nguy kịch phải hỗ trợ hô hấp (thở CPAP, thở máy).
Tại các bệnh viện khác như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus Adeno từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển về, hoặc từ các bệnh viện tư nhân.
Adeno là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ những năm 50 và là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Virus Adeno chỉ là tác nhân đứng thứ 6 trong các tác nhân thường gặp viêm phổi do virus gây bệnh ở trẻ em.
Bệnh nhi nhiễm virus Adeno có triệu chứng sốt cao liên tục từ 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.
Không xét nghiệm tràn lan gây lãng phí
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh do virus Adeno là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ… và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc virus Adeno phải có buồng điều trị riêng.
Theo bà Nguyễn Xuân Anh - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội), Sở đã khảo sát nhanh số giường bệnh nhi, máy thở, nhân lực điều trị… phòng tình huống bùng phát dịch do virus Adeno.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện chưa có bệnh viện công lập nào của Hà Nội có thể xét nghiệm phát hiện virus Adeno, chỉ có 2 bệnh viện tư nhân do Sở quản lý có thể thực hiện được. Hà Nội cũng chưa tự tin để đáp ứng tối đa điều trị bệnh lý này, do đó Sở Y tế Hà Nội đề nghị các bệnh viện trung ương hỗ trợ cho các bệnh nhân nặng. Các bệnh viện của Hà Nội sẽ nhận lại các bệnh nhân khác, khi đã qua cơn nguy kịch.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Phó giáo sư Trần Minh Điển cho rằng cần thống nhất quan điểm cá thể hóa từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí. Vì vậy, ông đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm.
Theo đó, việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ, không để theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi mới nên làm.
Các chuyên gia cũng cho biết hiện các bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E… các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Xanh Pôn và một số bệnh viện tư nhân vẫn đảm bảo cơ số giường bệnh đáp ứng việc điều trị cho người bệnh mắc virus Adeno.