Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 27/12/2023 07:30 (GMT+7)

Lai Châu chủ động phòng, chống rét cho học sinh

Theo dõi GĐ&PL trên

Thời điểm này, nhiệt độ tại các vùng cao ở Lai Châu giảm sâu, trường học chủ động phương án phòng, chống rét cho học sinh để đảm bảo công tác dạy và học đúng theo quy định.

Các phòng học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San được đóng kín để tránh rét cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Các phòng học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San được đóng kín để tránh rét cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN.

Xã vùng cao Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ nơi có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, những ngày này nền nhiệt giảm sâu, lạnh giá cộng với sương mù ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của thầy và trò các trường học trên địa bàn. Việc phòng, chống rét và giữ ấm cho học sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng của các trường học khi mùa đông đến.

Năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 633 học sinh, trong đó 407 học sinh ở bán trú, hầu hết là người dân tộc Mông. Để chống rét cho học sinh, nhà trường luôn tìm các giải pháp tối ưu đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh bán trú để các em có được bữa ăn nóng, ngon và đủ chất. Các vật dụng như chăn, màn đầy đủ, nơi ở kín đáo để giữ ấm cho các em, giúp đảm bảo sức khỏe.

Năm học này, huyện biên giới Phong Thổ có 48 trường học, gần 21.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó, 41 trường với hơn 10.000 học sinh thuộc diện bán trú.

Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết, phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm việc phòng, chống rét cho học sinh trong những tháng mùa đông nhiệt độ xuống thấp. Đầu năm, Phòng rà soát các trường về cơ sở vật chất như nơi ăn, chốn ở được tu sửa phục vụ cho công tác nuôi dạy bán trú. Nhà trường được yêu cầu chủ động chuẩn bị chăn ấm, áo ấm thông qua các nguồn từ thiện hoặc từ các năm trước; tổ chức bữa ăn cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng, tăng khẩu phần ăn. Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc nuôi dưỡng học sinh bán trú tại các nhà trường về an toàn thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Các trường học trên địa bàn chủ động thay đổi khung giờ học, cho học sinh nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Trường Mầm non Dào San, xã Dào San (một trong những xã vùng cao của huyện Phong Thổ) có 708 trẻ, 28 lớp, 13 điểm trường. Để giữ ấm cho học sinh, các cô giáo chủ động trải xốp, đệm trong lớp học và che chắn phòng học đảm bảo kín gió. Nhà trường chỉ đạo giáo viên các lớp đón trẻ muộn hơn 15 phút so với mùa hè và hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời; tăng thêm chút dầu mỡ trong khẩu phần ăn của học sinh để có thể giữ ấm.

Cô Trần Thị Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dào San chia sẻ: Do địa hình vùng núi cao nên mùa đông trời rất lạnh. Nhà trường chú trọng dinh dưỡng, thay đổi thực đơn mỗi ngày, cho các con ăn đủ định lượng để đảm bảo sức khỏe...

Theo cô giáo Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch về phòng, chống rét cho học sinh như: bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo các lớp học đều có cửa đóng kín được. Học sinh ở bán trú luôn được thầy, cô nhắc nhở mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ; quan tâm đến chỗ ngủ để kịp thời bổ sung chăn ấm cho các em; thức ăn, nước uống luôn đảm bảo ấm nóng. Nhà trường còn làm tốt công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về việc chú ý giữ ấm cho các em khi đến lớp và huy động máy sưởi từ phụ huynh, giáo viên để sưởi ấm cho học sinh.

Năm học này, xã Dào San có 2.438 học sinh thuộc ba cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở. Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại, giúp các trường học nêu cao tinh thần chủ động phòng, chống rét, chính quyền xã chỉ đạo các trường theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhà trường căn cứ tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày quá rét, chủ động đảm bảo cơ sở vật chất để giữ ấm cho học sinh.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu có 329 trường với 150.766 học sinh ở tất cả các cấp học. Để phòng, chống rét cho học sinh, ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, Sở đã có công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đặc biệt quan tâm đến công tác ăn uống, nơi ở của học sinh để đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng và nơi ở ấm áp, kín gió. Nhà trường được quyền quyết định cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp và chủ động tổ chức cho học sinh học bù để đảm bảo khung chương trình năm học. Tùy tình hình thực tế, nhà trường có thể tự điều chỉnh thời gian vào lớp để học sinh không phải đến trường quá sớm; hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời nếu điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo dự báo, mùa đông năm nay thời tiết tại Lai Châu diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các trường học trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đảm bảo giữ ấm cho học sinh khi nhiệt độ giảm sâu.

Cùng chuyên mục

Hạnh phúc của nghề giáo
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các giáo viên trẻ đã có những chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc khi được gắn bó với nghề cao quý này.
Bỏ hình thức thi đối với thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ 15/12/2024
Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT so với quy định cũ là không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.

Tin mới

Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.