Lạ miệng đặc sản 'phát ra âm thanh' với cách chế biến độc đáo ở Phú Quốc
Không chỉ gây ấn tượng bởi tên gọi "phát ra âm thanh", bún kèn còn thu hút thực khách nhờ hương vị hấp dẫn, hòa quyện từ nhiều loại nguyên liệu của vùng biển Kiên Giang.
Phú Quốc không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên đẹp tuyệt vời mà nơi đây còn níu chân du khách bởi nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn. Bên cạnh những đặc sản nức tiếng, ở Phú Quốc còn có một món tuy ít được biết đến nhưng hương vị đủ khiến ai nấy xốn xang ngay từ lần đầu thưởng thức. Đó là món bún kèn.
Ngay từ tên gọi có khả năng "phát ra âm thanh", bún kèn đã gợi sự tò mò của du khách. Theo người dân địa phương, từ "kèn" dùng để chỉ một trong những thứ nguyên liệu chính tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn, đó là nước cốt dừa. Đây là từ được vay mượn từ đồng bào người Khmer, thể hiện ý nghĩa "nấu bằng nước cốt dừa" nên món ăn này được gọi là bún kèn.
Thoạt nhìn, bún kèn khá giống các món bún khô, bún chan nước lèo khác ở Kiên Giang nhưng nguyên liệu làm nên món ăn này chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Bún kèn được ăn cùng với phần nước lèo độc đáo làm từ cá đồng, kết hợp cùng nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy. Thay vì để nguyên miếng, người ta sẽ lọc lấy thịt cá rồi xay nhuyễn như chà bông. Nhờ thế mà cá giữ được trọn vẹn hương vị, có độ tươi ngon, dậy mùi thơm và mang vị đậm đà, mặn mòi từ biển.
Ở Phú Quốc, người ta thường làm bún kèn chủ yếu từ cá nhàu hoặc cá ngân, những loại cá biển có rất nhiều ở đảo. Cá sau khi được sơ chế, làm sạch, xay nhuyễn thì đem ra xào cùng sả, tỏi, ớt cho tới lúc thịt cá săn lại, khô, giòn, dậy mùi thơm hấp dẫn.
Phần xương cá được giữ lại để ninh làm nước dùng (nước lèo), tạo độ ngọt tự nhiên. Sau đó, người ta vớt, lọc xương cá ra, cho nước cốt dừa vào nồi nước dùng, nêm nếm gia vị vừa miệng rồi đun đến khi thành hỗn hợp có độ sền sệt là được. Nước dùng của bún kèn Phú Quốc thường có một số gia vị như bột cà ri, ngũ vị hương, vừa tạo màu đẹp mắt, vừa tăng hương vị đặc trưng cho món ăn.
Khi thực khách gọi món, người bán mới bắt đầu bỏ bún tươi vào tô, bày lên trên chút gỏi đu đủ, giá sống, rau thơm rồi rưới thêm nước mắm chua ngọt. Cuối cùng là chan nước lèo, thêm cá xay nhuyễn vào tô.
Thực khách có thể trộn đều các nguyên liệu rồi thưởng thức hoặc ăn riêng như món bún khô. Ngoài bún, bạn có thể dùng bánh mì chấm với nước kèn ngọt thơm từ cá, nước cốt dừa cũng rất hấp dẫn.
Mỗi suất bún kèn Phú Quốc có giá từ 20.000 - 25.000 đồng. Tô bún có màu trắng của bún, giá, xanh của rau, đỏ của ớt, vàng cam của đu đủ bào, của nước lèo và cá xay nguyễn. Món ăn có vị ngọt nhẹ, béo ngậy của nước cốt dừa, vị mặn mòi của cá biển, mùi thơm, cay nồng từ ớt, bột cà ri hay ngũ vị hương, hòa quyện cùng độ giòn tan của đu đủ.
Bún kèn ngon nhất khi ăn nóng. Thực khách có thể thưởng thức món ăn này vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (Ảnh: Goals Nguyễn).
Ngoài ra, bún kèn Châu Đốc còn có sự kết hợp của các loại cá đồng như cá lóc, cá bông, cá rô, được tách lấy phần thịt dày rồi giữ nguyên, xào chung với gia vị như bột nghệ, bột cà ri, đinh hương,… để tạo màu vàng bắt mắt.